Yêu Bản Thân
Chuyên gia tư vấn tài chính nhắc bạn 5 nguyên tắc cơ bản nên biết trước khi đầu tư
Chuyên gia tài chính Mina Chung chia sẻ nguyên tắc đầu tư dù chỉ với vài trăm nghìn hay vài triệu đồng.
Mina Chung theo học chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp và Dịch vụ Tài chính Đại học bang San Francisco. Chị bắt đầu với công việc ở The Bank of New York Mellon – một ngân hàng toàn cầu Mỹ. Sau đó chị tự mình khởi nghiệp và kinh doanh trong nhiều thị trường. Nhờ kinh nghiệm đầu tư phong phú của mình, chị phát triển một cộng đồng chia sẻ về quản lý tài chính cho phụ nữ, giúp phụ nữ tự tin hơn trong việc quản lý tài chính cá nhân và khả năng an tâm tài chính trong mọi hoàn cảnh.
Bạn muốn đầu tư nhưng chưa biết bắt đầu thế nào? Trong bài phỏng lần này, chị Mina Chung đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như góc nhìn của mình trong đầu tư tài chính dành cho phụ nữ.
Tiền?
Chị đã từng đầu tư nhiều tiền nhất vào việc gì?
Bất động sản.
Một quyết định liên quan đến tiền mà chị hối hận nhất?
Không bắt đầu từ sớm, từ lúc cầm đồng lương (thu nhập) đầu tiên trên tay.
Chị quan trọng tiền hơn hay đam mê hơn khi chọn công việc/sự nghiệp?
Sau 20 năm gây dựng sự nghiệp, tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã luôn hướng về đam mê và làm những việc ý nghĩa. Nhưng khi mới ra trường, ổn định tài chính là ưu tiên hàng đầu.
Quan trọng nằm ở việc quản lý tài chính và đầu tư thật tốt từ lúc trẻ, để rồi khi bản thân có đủ điều kiện, ta mới tự tin và can đảm để theo đuổi đam mê trong tâm thế an tâm, chủ động và trách nhiệm với cuộc sống của mình. Đó là khi tôi lựa chọn “an tâm tài chính” mà không phải cứ theo “tự do” hoặc “độc lập tài chính” mà không biết mốc đó là gì cho bản thân. Có thể lúc trẻ tôi đặt đó là mục tiêu, nhưng sau hành trình hơn chục năm tôi mới nhận ra mình cần đặt tâm thế an tâm dù con số tiền tôi có như thế nào trong tài khoản.
Cần lưu ý gì khi chuẩn bị đầu tư?
Đầu tư càng sớm càng tốt
Tôi hay nói vui rằng các bạn đã phải bắt đầu đầu tư từ hôm qua. Có nghĩa nếu bạn chưa bắt đầu ngay, bạn đã trễ và bất lợi hơn 1 bước để có thể đạt được mục tiêu tài chính của mình.
Học đi đôi với hành
Tự trau dồi các thông tin đầu tư trên mạng, hoặc qua website Money With Mina, các nền tảng tài chính cộng đồng, nghe podcast như “Tâm sự Tài chính”, “Tài chính & kinh doanh”, đọc các sách tài chính. Học đi đôi với thực hành, bạn đừng chỉ nên học trên lý thuyết mà không tiến tới bước khởi đầu cho đầu tư, dù là bước thật nhỏ. Bạn sẽ không bao giờ đạt mục tiêu tài chính của mình nếu chỉ học.
Tập trung vào 5 nguyên tắc quản lý tài chính chuẩn bị khi đầu tư
- Bắt đầu từ dòng thu nhập và biết tăng trưởng nó qua năm tháng.
2. Có thu nhập rồi thì tích lũy ngay (ví dụ mục tiêu ngắn hạn – quỹ dự phòng hoặc trả nợ, và đừng quên mục tiêu trung & dài).
3. Tích luỹ rồi thì mới chi tiêu phần còn lại (chi tiêu hiệu quả, biết giải quyết các vấn đề về chi tiêu quá khả năng, vì lúc ấy sẽ dẫn đến nợ thì tâm lý lúc đầu tư cũng đã có áp lực).
4. Tiền tích lũy đi đôi với đầu tư tăng trưởng và xây dựng tài sản cho bản thân (cần biết bằng cách nào, kênh nào, phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn, hay mục tiêu lâu dài cho bản thân và gia đình, v.v…)
5. Có tài sản và dòng thu tăng trưởng rồi thì cần bảo vệ những gì mình xây dựng. Chắc hẳn bạn đã thấy người giàu phá sản vì họ chỉ làm ra tiền mà không biết kế hoạch bảo vệ nó cho quỹ đừng cạn kiệt.
Đầu tư vào đâu với vốn 1-5 triệu đồng?
Bất cứ số tiền nào cũng bắt đầu được. Bạn có thể tích lũy mỗi tháng vài trăm ngàn hay vài triệu, dần dần đầu tư dài hạn qua năm tháng. Hoặc bạn có thể gom một số tiền gọi là vốn nhàn rỗi để bắt đầu. Đầu tư là luôn luôn, không phải chỉ có 1 khoảng thời gian rồi bạn lại bỏ qua nó.
Với số vốn khoảng 1-5 triệu bạn có thể đầu tư vào chứng khoán, ví dụ: Chứng chỉ quỹ ở các quỹ đầu tư (dạng ủy thác cho chuyên gia) có thể thu gom túc tắc từng tháng, hoặc chọn mua 1 lần. Nhưng tôi khuyên bạn nên tích lũy (gom thu mua thường xuyên mỗi tháng trong vòng 3-5 năm trở lên và để đó cho nó tiếp tục tăng trưởng nhờ lãi kép); một loại chứng khoán khác là Cổ phiếu hoặc trái phiếu. Với cổ phiếu bạn có thể thực hành giao dịch tiền ảo trước bằng cách mở tài khoản ảo với nền tảng trên mạng, nếu bạn ngại bỏ tiền thật khi chưa đủ tự tin.
Sau một thời gian đã có lời thật và vốn nhiều hơn bạn có thể thêm vào các tài sản khác như đầu tư bất động sản (đầu tư chung nếu không có đủ vốn). Việc thêm tài sản khác còn được gọi là đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro.
Nên chia vốn để đầu tư nhiều kênh
Tôi có một bài viết bàn về đa dạng hóa đầu tư, không nên để tất cả trứng trong một rổ. Bạn có thể hình dung thế này: mùa nắng mình đi bán kem, mùa mưa bán áo mưa. Có nghĩa rằng mùa nắng hay mưa thì ít nhất một mặt hàng vẫn có lời trong khi mặt hàng kia không ai mua (có ai đi mua áo mưa khi mùa nắng chói chang?). Vậy nên khi đầu tư vào các kênh khác nhau, thì mùa nào (thị trường lên hay xuống nào) tôi cũng có lợi nhuận, bù đắp cho vài tài sản khác đang bị lỗ để giảm thiểu rủi ro thất thoát quá lớn.
Tái đầu tư ở thị trường bạn đã hiểu
Nếu đã có lợi nhuận, bạn nên tái đầu tư ngay (cả vốn lẫn lời). Đó là quy tắc của lãi kép mà tôi đã làm với danh mục đầu tư của tôi trong suốt 15 năm qua. Tiền phải luôn luôn tiếp tục làm ra tiền cho chúng ta. Có nhiều bạn hỏi, bạn có nên đi tìm thị trường mới hay không. Tôi thấy không lý do gì bạn phải bỏ kênh mình đang làm quá tốt để tìm thị trường mới, mà nên đa dạng hoá vào lúc này. Lợi nhuận chính là thành công cho việc đầu tư của mình, đồng thời bạn đã có được kinh nghiệm, thông tin, kiến thức và sự tự tin. Bạn cứ tiếp tục tập trung nhiều hơn với kênh mà mình có hiểu biết nhằm tăng thêm lợi nhuận cho tương lai. Ví dụ tôi vẫn tập trung bất động sản nhiều hơn vì tôi làm khá tốt với đầu tư này của tôi, ngoài ra mình thêm các tài khoản khác như chứng khoán, kinh doanh.
Giải quyết rủi ro trong đầu tư nên do bản thân quyết định
Đầu tư nhất định có rủi ro. Nếu có ai nói với bạn đầu tư không rủi ro, hay họ “cam kết” các mức lợi nhuận cao mỗi ngày hay mỗi tuần, bạn cần tránh xa những lời mời gọi tiếp thị này. Trong đầu tư chẳng có ai có thể cam kết mọi thứ cả, vì nếu không họ đã tự làm và rất nhiều người giàu qua đêm. Tránh xa không có nghĩa không đầu tư, mà ý tôi muốn nói trong đầu tư không nên chỉ nghe theo ai cả, mà bạn cần phải bỏ thời gian tìm hiểu và sau đó tự quyết cho việc đầu tư của mình. Nếu lỡ quyết định của mình dẫn đến việc lỗ vốn, trong kế hoạch mình đưa ra cho cả hành trình quản lý tài chính, và việc đầu tư lâu dài của mình như thế nào mà bạn sẽ tính bài toán kế tiếp. Ví dụ, bạn bước vào đầu tư khi có quỹ dự phòng không nợ và việc đầu tư bạn đã đặt ra ít nhất cho 10 năm tới, thì việc lỗ hiện nay chỉ tạm thời. Và nếu bạn là nhà đầu tư giá trị thì nhiều lúc đây là cơ hội mua vào giá rẻ vì thị trường đang đi xuống. Hoặc bạn sẽ phải quyết định cắt lỗ vì đây là vốn nhàn rỗi không ảnh hưởng đến tài chính chung, để rồi lấy vốn đó đầu tư vào tài sản khác hay kênh khác hay đó là cơ hội mua tài sản bạn đã mong muốn từ lâu với giá rẻ, và bạn tin vào nó sẽ tăng trưởng trở lại.
Tất cả những việc này tôi chỉ có thể hướng dẫn, chia sẻ thông tin, và mong các bạn có thể sẽ biết quyết định, lựa chọn cho đầu tư của mình. Tôi cho ví dụ dễ hiểu hơn, tôi có thể đưa hết thông tin đầu tư kênh chứng khoán như thế nào, nhưng bạn sẽ là người quyết định nên mua chứng chỉ quỹ hay cổ phiếu, và cổ phiếu nào. Chứ tôi sẽ không kêu gọi bạn mua một cổ phiếu nào vì đó là công việc của chuyên gia tư vấn đầu tư. Ở các nước phát triển, các chuyên gia đầu tư phải có giấy phép của nhà nước để có thể tư vấn đầu tư cho khách hàng, vì thế bạn sẽ hiểu ra rằng ai cũng có thể cho lời khuyên nhưng nếu không có giấy phép hành nghề thì việc tư vấn có thể dẫn đến rủi ro vì sẽ không ai bảo vệ được tiền của chúng ta nếu mình chỉ nghe theo ý kiến của người khác.
Trau dồi kiến thức là cách tốt nhất để giảm rủi ro
Nếu chỉ là đầu tư để có nhiều tiền, tôi khuyên bạn nên chậm lại một bước và giúp bản thân tìm hiểu về tổng thể kế hoạch quản lý tài chính chung – năm bước tôi có đề cập trên. Có nhiều lúc vì thiếu kiên nhẫn, bạn có thể nhảy vào đầu tư mà bỏ qua các bước quan trọng khác. Giai đoạn đầu tư chỉ là Bước thứ 4 trong 5 bước kế hoạch quản lý chung, và các bước đều có ít nhiều liên quan và ảnh hưởng đến nhau. Tôi sẽ có tâm thế an tâm hơn khi tôi đã tính toán hết và đi qua hết các bước cho bản thân.
Nhưng vì đề tài hôm nay mình tập trung vào đầu tư, Tôi thấy khá quan trọng về rủi ro trong đầu tư để các bạn cần hiểu rõ. Đối với tôi, rủi ro lớn nhất là bạn không bỏ thời gian ra học hỏi và trau dồi kiến thức, kể cả bạn quyết định đầu tư uỷ thác cho đơn vị chuyên gia đầu tư cho mình, bạn cũng cần phải biết giám sát và quản lý họ và danh mục đầu tư của mình.
Cẩn thận lừa đảo khi đầu tư
Vì công nghệ phát triển nên việc lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Tôi cũng rất bức xúc về việc này khi các bạn ở cộng đồng đến và chia sẻ những phi vụ lừa đảo tài chính làm họ bị mất tiền dành dụm của mình. Tôi cũng đã có một bài viết dài về đề tài này các bạn có thể tìm đọc tại blog của tôi. Qua đây tôi gửi đến các bạn đọc giả của Money Smart: Bất cứ lúc nào bạn sử dụng dịch vụ (nhất là vay tín dụng, hay đầu tư tiền ảo….), bạn cần chậm lại một bước và đặt câu hỏi xem việc yêu cầu của các dịch vụ có hợp lý hay không?
Ví dụ: vì sao tôi đi vay nhưng tôi lại phải chuyển tiền cho họ để chứng minh tài khoản của mình. Hoặc khi đầu tư, các việc mời gọi nghe rất dễ lọt lỗ tai, và kêu bạn phải quyết định gấp rút vì hết tuần này là không còn khuyến mãi, hay họ sẽ trả lợi nhuận theo ngày hay theo tuần, rồi bạn lại cần chuyển khoản số tiền nào trước vì tài khoản bạn có vấn đề…tất cả lý do trên là tôi đã thấy việc này thật không hợp lý.
Cảm ơn chị Mina Chung đã dành thời gian tham gia phỏng vấn cùng chaubuinet. Chúc chị sẽ thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp.
Có thể bạn cũng thích