Home / Phong Cách Sống / Chúng ta có cần “Couple Therapy” cho tình yêu thêm mặn nồng?
Icon Icon Icon

Yêu Bản Thân

Chúng ta có cần “Couple Therapy” cho tình yêu thêm mặn nồng?

Liệu pháp ra đời với mục đích giúp các cặp đôi giải quyết những vấn đề gây ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ của mình

26/09/2022

“Couple Therapy” (tạm dịch: liệu pháp cặp đôi)  là phương pháp trị liệu hướng tới tư vấn tình cảm cho các cặp đôi đang yêu, đã kết hôn hoặc sắp tiến đến hôn nhân. Bởi vậy, liệu pháp cặp đôi cũng được hiểu bằng cái tên khác là “tư vấn hôn nhân” (marriage counselling). 

Liệu pháp ra đời với mục đích giúp các cặp đôi giải quyết những vấn đề gây ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ của mình, chủ yếu bằng cách khuyến khích hai bên xác định các rào cản tâm lý, cải thiện kĩ năng giải quyết vấn đề, khả năng giao tiếp, xác định mục tiêu cuộc đời và trách nhiệm với đối phương. Tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng trong mối quan hệ, thời gian trị liệu có thể ngắn hạn, kéo dài vài tháng hoặc thậm chí tính theo năm. 

Với khả năng bao quát nhiều vấn đề trong tình cảm lứa đôi, nên phương pháp trị liệu không đơn thuần giúp “chữa lành” hay tăng sự hài lòng trong các mối quan hệ, mà còn có thể trở thành động cơ thúc đẩy người trong cuộc đi đến quyết định tiếp tục bên nhau hay buông tay. Song dù là “đi hay ở”, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể gọi liệu pháp này là một chiếc “chìa khoá” hữu hiệu giúp mỗi người dễ dàng tìm ra lối đi tốt nhất cho mình và đối phương.

Nguồn: Talking Circle Therapy

Một số phương pháp được sử dụng trong Couple Therapy

Theo Brian Mueller, nhà Tiến sĩ tâm lý học Đại học Y khoa Columbia, có thể chia cách tiếp cận với liệu pháp cặp đôi thành 6 cách sau đây: 

  • Liệu pháp tập trung vào cảm xúc (Emotionally focused therapy – EFT): Nhà trị liệu tâm lý tập trung vào việc chữa lành cảm xúc và tìm ra cách kết nối với đối phương từ bên trong đúng đắn hơn. 
  • Phương pháp Gottman: Được phát triển bởi bác sĩ John Gottman và Julie Schwartz Gottman, phương pháp này gắn liền với việc giải quyết các xung đột trong tình cảm và trang bị cho đôi bên các kỹ năng giải quyết những vấn đề tiêu cực đó. Cũng giống với EFT, phương pháp Gottman giúp cải thiện chất lượng mối quan hệ và làm tăng hào cảm của bạn với đối phương.
  • Phương pháp của Tiến sĩ tâm lý Ellen Wachtel: Đây là cách tiếp cận dựa trên các khía cạnh tích cực của mối quan hệ, khi đôi bên học cách nhìn nhận những điểm tốt của nhau thay vì chỉ tập trung vào lỗi lầm của nhau.
  • Liệu pháp tâm động học (Psychodynamic couple’s therapy): Được hiểu là liệu pháp tâm động học giúp khám phá những kì vọng và nỗi sợ hãi tiềm ẩn của cặp đôi trong tình yêu, từ đó thúc đẩy mỗi người thấu hiểu và trân trọng nhau hơn. 
  • Liệu pháp hành vi (Behavioral therapy): Hình thức trị liệu này liên quan đến việc định hình hành vi bằng cách củng cố các hành vi tích cực, thúc đẩy sự hài lòng, đồng thời ngăn cản các hành vi tiêu cực.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy): Hình thức trị liệu này liên quan đến việc xác định và thay đổi các kiểu suy nghĩ sai lệch thúc đẩy hành vi tiêu cực của mỗi người.

Chúng ta làm những gì khi đến với “Couple Therapy”?

Với từng phương pháp trị liệu nêu trên, mỗi nhà tâm lý học lại có cách tiếp cận khác nhau để thích ứng với tâm lý, nhu cầu của mỗi người. Một quy trình “chữa lành” có thể đi theo các bước như sau: 

  • Bước 1: Làm thân: Nhà trị liệu tạo ra cảm giác an toàn với các cặp đôi bằng cách làm quen và tích cực trò chuyện để giúp họ gợi mở câu chuyện về bản thân. Sau bước này, mỗi người đã có thể hiểu hơn về chính mình và đối phương.   
  • Bước 2 – Xác định cảm xúc: Các chuyên gia trị liệu giúp đôi bên xác định cảm xúc và cùng nhau diễn đạt chúng thành lời
  • Bước 3 – Tìm về quá khứ:  Kể chuyện quá khứ giúp mỗi người hiểu hơn về nỗi sợ, các động lực và hành vi của bản thân trong tình yêu. Việc xác định nguyên nhân gốc rễ là động lực để các cặp đôi cùng nhau tìm ra câu trả lời cho các xung đột hiện hữu và chữa lành tình cảm dễ dàng hơn.
  • Bước 4 – Tìm kiếm giải pháp: Chuyên gia trị liệu tiếp tục làm việc với đôi bên để tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề tình cảm, sửa chữa những hành vi tiêu cực và tập trung vào các khía cạnh tích cực của mối quan hệ. 
  • Bước 5 – Chỉ dẫn cho cặp đôi: Đích cuối cùng của liệu pháp cặp đôi là trang bị cho hai bên kỹ năng quản lý cảm xúc, cách giải quyết vấn đề trong đời sống tình cảm để ngăn chặn các xung đột phát triển trong tương lai.
Nguồn – The Science of Psychotherapy

Điều gì chờ đợi đôi ta sau chông gai?

Chỉ khi hiểu tiếng lòng mình và đối phương, bạn mới biết yêu thương chính mình, bao dung cho những hành động chưa phải, trân trọng từng cơ hội bên nhau và hơn hết là nói lời yêu dễ dàng hơn. Bạn sẽ hiểu hơn về tác dụng của liệu pháp này thông qua 6 lợi ích dưới đây: 

1. Thấu hiểu tính chất của mối quan hệ 

Lợi ích chính của liệu pháp cặp đôi là giúp bạn thực sự hiểu động lực bên trong mối quan hệ của mình: Ai là người thật sự nắm quyền? Vai trò và nỗ lực của mỗi người có cân bằng không? Bạn có rơi vào tình huống tiêu cực nào không? Có những xung đột nào đang hiện hữu nhưng chưa được gọi tên? Làm thế nào để chúng ta biết cách xử lý các xung đột này? 

Các cặp đôi, hay thậm chí là nhiều đôi vợ chồng đến với liệu pháp này chỉ với mong muốn tìm ra “điều họ thật sự mong muốn từ mối quan hệ của mình”. Khi bắt đầu bằng câu hỏi cốt lõi này, bạn hoàn toàn có thể hiểu sâu hơn về khả năng hàn gắn mối quan hệ của mình. 

2. Phát triển bản thân tốt hơn 

Một điều đáng ngạc nhiên, song cũng là lẽ tự nhiên của liệu pháp cặp đôi chính là khả năng giúp bạn phát triển bản thân bằng cách tăng cường nhận thức về bản thân, thắt chặt sợi dây kết nối với cảm xúc và học cách cân bằng giữa nhu cầu của mình và đối phương. 

Từ bài học chấp nhận sự không hoàn hảo trong tình yêu, chúng ta biết linh hoạt với các mối quan hệ khác trong cuộc sống. Bạn biết thiết lập ranh giới chắc chắn hơn cho những mối quan hệ bạn bè hay đồng nghiệp, cải thiện khả năng giải quyết xung đột và dường như mềm mỏng hơn trước những điều bất bình. 

Chỉ đơn giản là bạn đã không còn cứng nhắc trong tình yêu của mình và sự “dịu êm” ấy đã trở thành một phần đẹp đẽ trong tính cách của bạn. 

3. Cải thiện kỹ năng giao tiếp

Chuyên gia trị liệu có thể yêu cầu bạn thực hành một số bài tập giao tiếp trong tình yêu với nửa kia và giúp bạn tìm ra cách thức giao tiếp lí tưởng – vừa thể hiện bản thân phù hợp, vừa đảm bảo lời nói không mang tính công kích tới đối phương.

Một trong những lợi ích tốt nhất của việc phát triển giao tiếp là tính liên thông tới các khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn. Biết cách giao tiếp tốt có thể giúp bạn cải thiện quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp, người thân yêu và thậm chí giúp bạn vượt qua xung đột không đáng có. 

4. Tìm ra phương hướng đúng đắn với người bạn không thiên vị 

Tìm một nhà trị liệu cũng chính là tìm một người bạn mà cả hai bên có thể tin tưởng. Chuyên gia trị liệu biết cách lắng nghe những gì chúng ta nói để đưa ra phản hồi trung thực, khách quan, mang tính xây dựng. Đôi khi, lắng nghe chia sẻ từ người ngoài cuộc giúp ta nhìn nhận mối quan hệ của mình qua một lăng kính mới – đây chính là sự khác biệt so với việc chia sẻ cùng người thân quen.

Nguồn – The Gottman Institute

5. Xây dựng lòng tin 

Mọi người tìm đến các nhà trị liệu đôi khi bởi họ đã mất niềm tin vào mối quan hệ của mình. Vấn đề niềm tin có thể đến từ sự không chung thủy, thiếu trung thực, khó khăn về tài chính hoặc vô vàn lý do khác. Buổi trị liệu có thể xem như một nơi trốn an toàn để chúng ta bày tỏ sự thiếu tin tưởng, tìm cách tha thứ và từ đó tạo ra không gian cho sự chữa lành. 

6. Thắt chặt kết nối với đối phương 

“Thân mật” là chiếc chìa khoá cho mọi mối quan hệ, đặc biệt là khi hai bạn đã có một khoảng thời gian dài không cùng tần số với nhau và dường như ngọn lửa nhiệt huyết ban đầu đã không còn như trước. Liệu pháp cặp đôi có thể giúp bạn lấy lại sự gắn kết đã mất đi đó, bằng việc tập trung vào những mong muốn, nhu cầu quan trọng về cảm xúc, thay vì chỉ giải quyết các vấn đề vật chất. Khi chúng ta cảm thấy được yêu thương, lắng nghe và tôn trọng, tự khắc cảm giác thân thuộc ấy sẽ quay về theo cách tự nhiên nhất. 

Một lộ trình chữa lành tình yêu lí tưởng luôn cần có sự tham gia của đôi bên. Nếu bạn cảm thấy tình cảm giữa bạn và nửa kia đang gặp phải nhiều vấn đề khó nói và tin rằng liệu pháp này là sợi dây kết nối hai người, hãy thử thảo luận với đối phương về cuộc gặp mặt với chuyên gia tâm lý.

Nếu người ấy không cởi mở với những cuộc tìm hiểu sâu này, bạn hãy từ từ giải thích lí do vì sao điều này lại quan trọng với bạn và nó sẽ giúp ích với các bạn ra sao. Song ngay cả khi nửa kia không chấp nhận, bạn hoàn toàn có thể thực hiện liệu pháp cặp đôi một mình để hiểu rõ hơn về bản thân hơn và cách để cải thiện nó từ phía mình. Chúc các bạn thành công và sớm tìm lại tình yêu lành mạnh! 

Bài viết được thực hiện bởi bạn Phương Linh trong chương trình “Sáng tạo content cùng Chaubuinet”!

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon

Có thể bạn cũng thích

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!