Home / Phong Cách Sống / Yêu Bản Thân / Chia sẻ về self-care (chăm sóc bản thân) và self-love (yêu bản thân)
chau bui
Icon Icon Icon

Yêu Bản Thân

Chia sẻ về self-care (chăm sóc bản thân) và self-love (yêu bản thân)

Tâm sự hơi dài dòng của Bùi Thái Bảo Châu về hành trình self-care đây!

10/08/2021

Khi Châu bắt đầu lên ý tưởng cho website này, Châu luôn biết chắc chắn mình sẽ có một chuyên mục riêng cho self-care, chăm sóc bản thân. Là một người đã đi làm từ sớm, Châu đã có những năm tháng quên ăn quên ngủ với ý nghĩ tuổi trẻ là cống hiến hết mình cho công việc. Châu may mắn có một công việc mình yêu thích, có rất nhiều người ủng hộ và hướng dẫn trên đường đi, tuy nhiên bây giờ nhìn lại Châu ước rằng mình biết đến self-care và self-love sớm hơn. Hôm nay Châu muốn chia sẻ thêm một chúng về hành trình self-care của mình, để mọi người cũng có thể đồng cảm, và tìm được con đường riêng của mình nhé!

Khái niệm Self-care và Self-love

Self-care có nghĩa là chăm sóc bản thân, cả về tinh thần, thể chất và cảm xúc.

Self-love có nghĩa là yêu bản thân, chấp nhận cả mặt tốt và mặt chưa tốt của bản thân, hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của mình, giữ vững sự tự tin và tiêu chuẩn cho bản thân, không phụ thuộc vào người khác để tìm thấy cái an yên, hạnh phúc của bản thân mình.

Với Châu, hai khái niệm này không hẳn là tách biệt. Self-care đòi hỏi chúng ta phải lắng nghe bản thân, biết mình cần gì tại thời điểm này để chăm sóc bản thân cho tốt, từ việc ăn uống, nghỉ ngơi cho đến loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc sống. Trên hành trình self-care thì chúng ta cũng tìm thấy yêu thương và trân trọng bản thân, và chỉ khi đó mới thực sự chăm sóc bản thân tốt.

Chăm sóc và yêu bản thân không có nghĩa là ích kỷ

Với văn hóa Á Đông, việc ưu tiên bản thân hơn mọi người xung quanh có thể bị coi là sự ích kỷ. Từ bé chúng ta đã được dạy nên quan sát người khác để biết ý mà cư xử, nhường nhịn cho phải phép.

Nhưng thực ra, yêu thương và ưu tiên bản thân không khiến ta trở nên vị kỷ. Châu đã có thời gian chịu rất nhiều áp lực từ bên ngoài và không chăm sóc đến sức khỏe của mình, cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Và khi đó, không chỉ chất lượng cuộc sống của Châu đi xuống, mà Châu nhận ra mình cũng hay cáu gắt, mất kiên nhẫn với người xung quanh, kể cả là những người thân trong gia đình. Khi bên trong cơ thể mình tổn thương, thì rất khó để dành chỗ cho người khác. Nhưng khi chúng ta tự biết cách yêu thương, tôn trọng bản thân, thì tự nhiên tình yêu thương đó sẽ lan rộng ra cả với những người xung quanh.

Và quan trọng hơn là, chính bố mẹ, bạn bè của Châu chắc chắn sẽ buồn nếu Châu không biết tự chăm sóc bản thân mình. Vì vậy, khi mình dành thời gian cho bản thân, cũng là để cho những người xung quanh yên tâm về chúng ta hơn.

Self-care không chỉ gói gọn trong việc cho bản thân được nghỉ ngơi, thư giãn

Khi nghĩ đến self-care, chắc hẳn nhiều người hay nghĩ đến việc đắp mặt nạ, đi mát-xa, thiền  tịnh, đi du lịch, học yoga… Tuy nhiên, hành trình self-care dài hơn và có lúc cũng rất khó khăn và stress đó nhé.

Ví dụ,  những hoạt động self-care yêu thích của Châu là nấu những món ăn eat-clean, hoặc tập thể dục. Không phải lúc nào Châu cũng hào hứng đi tập thể dục hay nấu ăn đâu, có những lúc Châu thì thèm đi ngủ hoặc thèm ăn thịt kho thôi chứ. Nhưng chỉ bỏ bê cơ thể 1-2 bữa là Châu nhận thấy mình mệt nhanh hơn này, làm việc kém hiệu quả, vậy là phải tự nhủ cố gắng trở lại quỹ đạo vì chính sức khỏe của mình.

Self-care và self-love cũng có nghĩa là bạn phải nói “không” với những điều có ảnh hưởng tiêu cực cho cuộc sống của mình. Nếu chúng ta có một người bạn, người đồng nghiệp thân thiết, hay thậm chí là người yêu, thường xuyên chê bạn chưa đủ gầy, chưa đủ giỏi, chưa đủ tốt. Rời bỏ những người toxic như vậy không phải dễ dàng, vì họ có thể rất thuyết phục, khiến bạn tự hỏi không biết bản thân mình có thực sự xấu đến vậy. Nhưng một khi đã đặt ra được định giới cho bản thân, nói “không” với họ, thì bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn.

Và bạn có thể bắt đầu chấp nhận cả những điểm tốt và chưa tốt của bản thân, không đánh giá, không lên án bản thân, để tìm được sự cân bằng trong tinh thần.

Self-care cũng có nghĩa là có lúc bạn phải đối diện với những điều không hoàn hảo của mình. Để hiểu rằng mình đang cố gắng. Để hiểu rằng hãy cho bản thân thời gian để chữa lành. Để hiểu rằng bạn là người làm chủ cuộc sống của mình và bạn rồi sẽ tìm được con đường mình thấy hạnh phúc nhất.

Self-care không phải là phương thuốc giải quyết mọi vấn đề

Đôi khi, Châu vẫn thấy thất vọng vì đã làm điều này chưa tốt, điều kia chưa hay. Nhưng điều đó không phải do Châu thất bại hoặc không yêu bản thân, mà là do sự kỳ vọng của Châu chưa đúng với giá trị cuộc sống mà Châu mong muốn.

Chúng ta sẽ luôn là nhà phê bình nghiêm khắc nhất của bản thân: nào thì chưa đủ gầy, chưa kiếm đủ tiền, hôm nay tập yoga chưa đủ, chưa làm được công việc mình thích… Nhưng những điều đó có thực sự làm bạn hạnh phúc không? Sự thật là chúng ta bị cuốn vào những gì chúng ta phải làm hàng ngày, mà quên mất về điều gì khiến chúng ta hạnh phúc.

Nếu bạn không đạt được kỳ vọng, vấn đề không phải ở bạn. Vấn đề là kỳ vọng và mục tiêu của bạn không thực sự phù hợp với những gì cần thiết để khiến bạn hạnh phúc.

Vì vậy, thực hành self-care là một quá trình chứ không phải là đích đến. Đừng bỏ cuộc khi nản lòng. Đừng sốt ruột khi chưa trở thành phiên bản hoàn hảo. Đừng lùi bước khi có người muốn kéo bạn xuống. Hãy lắng nghe, trân trọng bản thân mình, từng chút, từng chút.

Châu sẽ tiếp tục viết thêm về những tips hoặc kiến thức về self-care Châu tìm hiểu được trong thời gian tới. Hi vọng mọi người sẽ có thời gian đọc, suy ngẫm và chia sẻ cùng Châu nhé!

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon

Có thể bạn cũng thích

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!