High & Low
Chị Thái Vân Linh: “Tôi được tạo động lực nhất khi cảm thấy mình đang thua”
Lời khuyên của chị dành cho các bạn mới bắt đầu sự nghiệp của mình.
Đằng sau vẻ ngoài dịu dàng với nụ cười luôn túc trực trên môi, Thái Vân Linh là một “nữ tướng” trên thương trường, một nhà đầu tư, doanh nhân thành đạt với 20 năm kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực. Bắt đầu từ công việc làm thư ký, chị Linh đã trở thành hình mẫu sự nghiệp thành công và nguồn cảm hứng của rất nhiều bạn trẻ. Châu có cơ hội được trò chuyện cùng chị Linh để tìm hiểu thêm về con đường thành công của chị cũng như lời khuyên của chị dành cho các bạn mới bắt đầu sự nghiệp của mình.
Chị Linh tham dự phỏng vấn cùng chaubui.net trong một ngày đang làm việc ở nhà, khi mà Sài Gòn đang đi vào tháng thứ 4 của đợt giãn cách xã hội. Cùng làm quen với một Thái Vân Linh cực kỳ thân thiện và cởi mở trong cuộc trò chuyện với Châu nhé!
Người trẻ hiện nay thường tạo áp lực cho bản thân để thành công sớm. Nếu chưa có được chỗ đứng trong sự nghiệp khi 30 tuổi thì họ cảm thấy có phần thất bại. Mặt khác, họ cũng muốn tìm được sự cân bằng trong công việc và cuộc sống (work-life balance). Chị Linh nghĩ như thế nào về điều này?
Quan điểm của chị là các bạn trong độ tuổi 20 không nên nghĩ tới work-life balance. Mỗi lần nghe các bạn trẻ nói đến work-life balance là chị thấy kỳ lắm. Vì cuộc sống mình là sự tích luỹ. Nếu bạn muốn tương lai mình về sau có cuộc sống vui vẻ, dễ dàng, thì ngay từ bây giờ mình cần làm việc. Nhất là khi còn trẻ, khi mình chưa có nhiều kinh nghiệm và sẽ cần có thời gian cho những thất bại, va vấp.
Một ngày có 24 giờ ha, chị chia thành 3 nhóm chính là làm việc, đi chơi và ngủ. Những thời gian mình dành cho ngoài công việc để đi chơi hay cà phê với bạn bè, chị cho là thời gian lười biếng. Với chị thời gian “làm việc” không có nghĩa là bạn ngồi văn phòng hay ngồi trước máy tính, họp hành. Thời gian “làm việc” còn có nghĩa là lúc bạn đầu tư cho bản thân, ví dụ như chơi thể thao.
Lúc còn trẻ, chị chỉ dành 4-5 tiếng để ngủ, vì lúc đó cơ thể mình còn trẻ, khoẻ. Thời gian còn lại trong ngày chị chia 80-85% làm việc và 15% thư giãn.
Chị Linh có bí kíp nào cho các bạn trẻ để tập trung vào công việc trong độ tuổi cuộc sống xung quanh có rất nhiều thứ để khám phá không?
Một tip của chị là mình nên lựa chọn bạn bè xung quanh mình là những người có cùng quan điểm với mình, những bạn cũng tập trung vào sự nghiệp. Vậy thì khi mình gặp gỡ nhau, nói chuyện, thì mình có thể nói những câu chuyện hay lời khuyên liên quan đến công việc, sự nghiệp.
Bật mí là bạn trai của chị lúc đó cũng rất tập trung vào sự nghiệp. Thứ 7, chủ nhật bọn chị hẹn hò thì mình cũng ngồi làm việc cùng bạn trai luôn. Đó là cách chị nghĩ mình có thể tập trung vào công việc nhưng vẫn hạnh phúc trong cuộc sống.
Đâu là động lực khiến chị Linh duy trì lối sống làm việc cật lực như vậy từ khi độ tuổi còn rất trẻ?
Từ khi chị còn nhỏ, chị sống trong một khu không mấy khá giả. Chị thấy gia đình mình, bạn bè mình, những người xung quanh mình đều không dư giả gì, và chị nhận thấy mình đang ở dưới thấp. Khi chị nhìn lên chị đã nghĩ “Một ngày nào đó tôi sẽ tới được đó.” Đó chính là động lực của chị, chị được tạo động lực nhất khi chị thấy mình đang thua.
Nhưng không nhất thiết tất cả mọi người phải tạo động lực cách giống chị. Động lực mỗi người sẽ mỗi khác nhau. Quan trọng là các bạn phải hiểu bản thân bạn, xem mình muốn gì, muốn đạt được kết quả như thế nào, để đặt mục tiêu cho mình.
Có những khoảnh khắc nào là nốt trầm trong công việc của chị không?
Có chứ, khi còn trẻ thì có rất nhiều thứ khiến chị cảm thấy tưởng chừng như không thể vượt qua. Nhưng thực ra đó là do mình thiếu kinh nghiệm. Khi gặp việc khó, mình không biết cách giải quyết, nên mình thấy stress, thấy muốn bỏ cuộc.
Nếu bạn đang cảm thấy như vậy trong công việc, cuộc sống của mình, lời khuyên của chị là hãy cứ tiếp tục làm việc. Bất cứ việc gì cũng có thể giải quyết được nếu bạn cho nó thời gian.
Chị Linh có nghĩ cứ làm việc chăm chỉ thì sẽ thành công?
Chị nghĩ ngoài làm việc chăm chỉ thì có hai yếu tố nữa cũng cần thiết cho sự thành công: mở rộng quan hệ cá nhân và đa dạng hoá kỹ năng.
Đầu tiên đó là việc chúng ta mở rộng mối quan hệ của bản thân, có thể là do networking trong công việc hoặc xây dựng nhóm bạn bè mà mình có thể học hỏi, có cùng giá trị phấn đấu cả trong công việc và cuộc sống.
Ngoài ra thì việc đa dạng hoá kỹ năng cũng rất quan trọng. Bạn nên có kiến thức sâu về một lĩnh vực chuyên môn và phát triển hiểu biết rộng ở những lĩnh vực khác. Điều này giúp mình vừa có chuyên môn, vừa có khả năng xem xét vấn đề từ nhiều góc độ để có thể giải quyết công việc hiệu quả.
Có thời điểm nào chị Linh nghĩ là mình đã thành công trong sự nghiệp?
Chị đã đạt được rất nhiều mục tiêu mình đặt ra cho bản thân, nhưng chị luôn tìm kiếm mục tiêu tiếp theo. Với chị thì chị nghĩ mình nên lo lắng khi cảm thấy đã thành công và nên nghỉ ngơi, vì đó chỉ là do bạn đặt ra mục tiêu thấp quá thôi.
Chị nghĩ gì về xu hướng làm việc cật lực để “về hưu” sớm?
Chị nghĩ là xu hướng này tuỳ văn hoá. Ví dụ như ở Mỹ người ta phải làm việc rất vất vả mới có thể sống được. Hằng ngày họ phải làm việc để trả tiền thuê nhà. Sau có nhà rồi thì phải mua xe hơi, vì không có xe hơi không đi được đâu. Mà mua xe hơi lại phải mua bảo hiểm rất mắc tiền. Nên để sống được hàng ngày ở Mỹ, chi phí rất đắt đỏ. Vì vậy chị có thể hiểu được nếu họ muốn làm việc kiếm nhiều tiền sau đó về hưu sớm để nghỉ ngơi.
Nhưng ở Việt Nam thì chị thấy các bạn ở thành thị cuộc sống khá tốt rồi. Nhà ở với bố mẹ nên không mất tiền thuê nhà, đi xe máy đã mua từ khi học đại học, nếu không có thì đi xe ôm. Nên chị nghĩ sống cuộc sống thoải mái vậy nó cũng như đã về hưu rồi đó.
Có thể bạn cảm thấy muốn có cuộc sống thảnh thơi, thức dậy lúc nào cũng được, rồi đọc báo uống cà phê. Nhưng bạn chỉ có thể làm điều đó một thời gian thôi là sẽ chán. Hồi xưa có mùa hè chị cũng cho mình nghỉ ngơi, nhưng chỉ được hai tuần là chị chán lắm nên phải quay lại làm việc.
Vậy khi nào mới là điểm rơi để có thể “take a break” trong công việc?
Chị nghĩ mọi việc trong cuộc sống đều xảy ra theo từng thời điểm, từ giai đoạn. Lúc còn trẻ, chị “làm việc để sống”, vì chị muốn sau này chị có thể “sống để làm việc”. Chúng ta không cần phải nghĩ là làm việc cả đời thì thật mệt mỏi hay sao cả. Vì nếu bạn yêu công việc mình làm thì làm việc cũng không hẳn là điều gì quá khó khăn.
Vấn đề là khi còn trẻ, chúng ta chưa đủ kinh nghiệm để nhận ra chúng ta thích làm cái gì nhất. Và điều đó hoàn toàn bình thường. Bạn hãy cứ trải nghiệm thật nhiều việc khác nhau cho đến khi bạn tìm được một công việc khiến bạn cảm thấy vui. Để công việc không còn là “work” nữa, mà là một phần khiến cho cuộc sống của bạn đa dạng và có mục đích.
Chị nghĩ các bạn trong độ tuổi 20-30 nên tập trung học kỹ năng nào?
Chị nghĩ còn trẻ thì học gì cũng tốt hết!
Khi các bạn còn trẻ thì chị nghĩ là cái gì bạn cũng nên học, vì các bạn như tờ giấy trắng. Như chị sau khi đã qua tuổi 40 rồi thì chị sẽ cần học có chọn lọc hơn, vì mình không có nhiều thời gian hay sức khoẻ như những bạn trẻ. Nhưng các bạn trẻ thì các bạn có đủ điều kiện và cơ hội để học nhiều, học mọi lúc mọi nơi.
Chị thấy các bạn trẻ đôi khi cũng bỏ lỡ những cơ hội để học hỏi. Ví dụ nho nhỏ thôi là ngày xưa khi chị học năm hai đại học, chị apply làm marketing assistant, nhưng khi đến nơi thì họ giao cho chị việc nhập dữ liệu máy tính. Hàng ngày 4 tiếng chị cứ nhập hàng ngàn dòng dữ liệu luôn. Công việc thì không có gì hay nhưng chị vẫn tự nhủ mình phải làm thật tốt. Nên khi chị nộp lại file thì người quản lý đã rất ngạc nhiên là không bị sai thông tin gì, và họ có ấn tượng tốt với chị. Công việc đó giúp chị có kỹ năng đánh máy rất tốt, dù lúc đó mình không nghĩ tới nhưng nó lại có ích cho mình sau này.
Tất nhiên là khi mới đi làm, mình nên tập trung vào một chuyên môn nhất định. Nhưng sau đó, ngoài việc học 1 kỹ năng rất sâu, chị nghĩ mình nên đa dạng hoá kỹ năng. Bạn đừng nghĩ là bạn làm sáng tạo thì bạn sẽ không giỏi số liệu. Bộ não mình có khả năng đa dạng hoá rất nhiều kỹ năng và kiến thức, nên bạn cứ thử thách bản thân học thật nhiều để phát triển.
Câu hỏi cuối cùng: chị có lời khuyên gì nói chung cho các bạn đọc của chaubui.net?
Tập trung làm việc, học tập và hãy thật chăm chỉ, tin tưởng vào bản thân bạn. Cuộc sống sẽ càng tốt hơn khi chúng ta trưởng thành hơn, vì lúc đó ta sẽ có nhiều kinh nghiệm để xử lý mọi vấn đề trong cuộc sống.
Cảm ơn chị Linh vì buổi trò chuyện thú vị và nhiều cảm hứng. Chúc chị luôn thành công trong cuộc sống và sự nghiệp!
Có thể bạn cũng thích