Yêu Bản Thân
Cách đối mặt với những lời phê bình trong cuộc sống
Xử lý khủng hoảng trong cuộc sống và công việc khi đối mặt với phê bình là một kỹ năng vô cùng cần thiết mà các bạn trẻ nên trang bị cho bản thân mình. Kĩ năng này sẽ giúp bạn giải phóng được bớt những áp lực từ những lời chỉ trích, phê phán và những áp lực đặt đè nặng từ bên ngoài. Bên cạnh đó, biết cách xử lý khủng hoảng còn cho bạn khả năng nhìn nhận, lắng nghe và thậm chí biến những áp lực thành động lực tích cực để tiếp tục phát triển hơn nữa.
Là người làm việc trong lĩnh vực truyền thông, Châu đã từng trải qua không ít lần nhận những chỉ trích từ bên ngoài. Và đây là cách Châu có thể đối mặt và vượt qua những lời phê bình này.
Đầu tiên, hãy hiểu chính xác bản chất của việc phê bình, chỉ trích.
Bất cứ khi nào phải nhận một lời phê bình, bạn cần phải hiểu rõ lời phê bình này có bản chất, mục đích ra sao. Thông thường lời phê bình sẽ có hai chiều hướng, một là tích cực mang tính chất xây dựng, đóng góp ý kiến, hai là mang chiều hướng tiêu cực. Sự phê bình tích cực sẽ đem lại cho bạn thêm những giải pháp, mở đường cho bạn để cải thiện, tăng năng suất trong công việc. Ngược lại, những sự chỉ trích tiêu cực thường sẽ không đem lại kết quả hoặc thậm chí gây hậu quả có hại cho công việc và cuộc sống.
Bản thân Châu tất nhiên cũng đã nhận rất nhiều đóng góp tích cực và những lời chỉ trích nặng nề, tuy nhiên, Châu học cách nhìn ra đâu là lời phê bình để mình tốt hơn, và đâu là lời chê bai, chỉ trích gây tổn thương.
Cách xử lý trước những lời phê bình tích cực
- Kiểm soát phản ứng của bản thân: phản ứng đầu tiên các bạn khi nhận lời phê bình từ sếp, đồng nghiệp hay thậm chí bạn bè, người thân sẽ là yếu tố cho thấy sự trưởng thành, điềm tĩnh và chuyên nghiệp của mình. Bên cạnh đó, nét mặt và ngôn ngữ hình thể cũng rất quan trọng khi lắng nghe và phản ứng với những lời chỉ trích. Lý tưởng nhất là bạn đừng nên phản ứng ngay tại thời điểm đó. Hãy hít thở thật sâu và suy nghĩ thật kĩ trước khi nói ra bất cứ điều gì. Hãy chắc chắn rằng những điều bạn nói ra bây giờ sẽ khiến bạn phải hối hận trong tương lai.
- Cho bản thân thời gian: khi mới nhận lời phê bình, dù nặng hay nhẹ, dù tích cực hay tiêu cực, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy sự tổn thương. Hãy cho mình thời gian để suy nghĩ và cân bằng lại cảm xúc. Thậm chí, bạn có thể yêu cầu sếp hoặc đồng nghiệp cho bạn thời gian suy nghĩ về những chỉ trích này trước khi có phản hồi.
- Tránh sự lầm tưởng: nếu bạn bị phê bình trong công việc thì lời phê bình đó thường dành cho chất lượng công việc của bạn, chứ không phải là sự chỉ trích con người của bạn. Bạn cần phải xác định điều cần cải thiện chính là hiệu quả công việc chứ không phải là tính cách của mình. Mọi người hãy tránh những lầm tưởng như vậy nhé!
- Hãy mở lòng: bạn đừng ngay lập tức thu mình lại và thiết lập hệ thống phòng thủ để phản pháo đối phương đến khi nào bản thân thắng thì thôi. Thay vào đó, bạn hãy nhìn nhận thấu đáo và trình bày cho họ những giải pháp bạn sẽ làm để cải thiện tình hình. Điều này sẽ cho người khác thấy rằng bạn đủ trưởng thành và chín chắn để đối mặt với những phê bình dành cho mình.
- Đừng chỉ xin lỗi: Việc liên tục nhận lỗi mà không đưa ra giải pháp nào cũng không phải là cách hay. Thay vì nói “Tôi xin lỗi…” hãy thử bắt đầu bằng câu “Vậy để tôi giải quyết như thế này…”
- Bước tiếp: bạn không thể mãi mãi kẹt lại một chỗ vì một lời chỉ trích của. Bản thân Châu sau khi rút ra được kinh nghiệm và bài học thì sẽ thôi chăm chăm suy nghĩ về nó để tiếp tục các công việc khác. Chỉ cần mình nhớ phải làm gì nếu gặp trường hợp tương tự trong tương lai, thì đừng quá lo lắng nhé. Hãy bỏ rơi những cảm xúc tiêu cực và nghĩ đến những mục tiêu trước mắt để cố gắng hơn.
Vậy còn đối với những sự chỉ trích đi quá giới hạn?
Châu có thể chấp nhận những lời phê bình miễn là chúng mang tính xây dựng, giúp bản thân cải thiện. Ngược lại, sẽ có những trường hợp mà đối phương đưa ra những lời lẽ để hạ thấp, xúc phạm công việc, cuộc sống của mình. Hành vi ấy có thể coi là công kích cá nhân hoặc họ đang cố tình đỗ lỗi cho bạn về điều gì đó không nằm trong tầm kiểm soát của mọi người.
Khi đó, bạn không cần mãi im lặng và tiếp tục dung thứ cho những hành động như vậy. Đơn giản vì nó không giúp bạn trở nên tốt hơn mà chỉ ngày qua ngày dày vò bạn trong suy nghĩ, sự bất lực khi mãi bị người khác chà đạp một cách vô lý. Lựa chọn việc trao đổi trực tiếp với đối phương có lẽ sẽ là một cách tốt trong những trường hợp thế này. Bạn nên thẳng thắn nói ra cảm xúc, suy. nghĩ của mình và yêu cầu họ sửa đổi hành vi của mình.
Nếu đang phải trong hoàn cảnh này tại môi trường làm việc thì bạn sẽ có thêm những cách xử lý khác khách quan hơn. Ghi lại những lần mà đối phương đã quá đáng với mình, thu thập bằng chứng và sau đó làm theo quy trình để nộp đơn khiếu nại. Bạn có thể hỏi đồng nghiệp và nếu họ cũng đã từng là nạn nhân thì hãy cân nhắc khiếu nại chung để cấp quản lý hiểu được phạm vi của vấn đề. Tóm lại là, việc gì cũng cần có giới hạn, hãy lên tiếng trước khi nó vượt quá ranh giới và bắt đầu chi phối cuộc sống của mọi người.
Châu hiểu cảm giác phải đối mặt với sự chỉ trích từ người khác không bao giờ là vui vẻ, nhưng đây cũng là một kĩ năng cần thiết để bạn có thể tận dụng những lời phê bình một cách tốt nhất. Tập cố gắng lắng nghe và có kế hoạch cải thiện trên những góp ý của người khác chứ đừng mãi dằn vặt bản thân sau những lần như vậy. Đôi khi con đường thành công và phát triển của bạn sẽ mở ra từ một lời chỉ trích tích cực đấy!
Có thể bạn cũng thích