Phong Cách Sống
Cách đáp trả thông minh khi được hỏi “Lương tháng bao nhiêu?” mỗi dịp Tết
Thu nhập vốn là một chuyện nhạy cảm và rất ít người sẵn sàng chia sẻ về vấn đề này. Thế nhưng, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, chúng ta lại thường phải bất đắc dĩ trả lời những câu hỏi từ người thân, bạn bè đại loại như “Cháu đi làm lương tháng bao nhiêu?”, “Lương có cao không?”, “Sắp mua nhà chưa?”, “Có để dành được nhiều không?”.
Theo chiều hướng tích cực, đây có thể là những câu hỏi thăm từ người thân do ở xa lâu ngày không gặp. Họ muốn biết để hiểu về tình hình cuộc sống hiện tại của bạn, biết đâu có thể giúp đỡ được điều gì đó. Nhưng với nhiều người, đây là những câu hỏi “vô duyên” nhằm thăm dò để thỏa mãn bản tính tò mò của mình.
Theo các chuyên gia về kỹ năng mềm, trong những tình huống này, chúng ta không nên trả lời một cách thô lỗ hoặc thể hiện sự đối đầu. Thay vào đó hãy bắt đầu bằng sự cởi mở và thoải mái với cảm giác của mình.
Vì vậy, nếu đã không tránh được, thì đây là 5 gợi ý về cách đáp trả khôn khéo, thông minh mà vẫn không làm mất tình cảm.
1. “Bẻ lái” câu chuyện sang chủ đề khác
Nếu như bạn cảm thấy đây là một vấn đề riêng tư mà mình không nhất thiết phải trả lời thì có thể “đánh trống lảng” sang một chủ đề khác. Cách này sẽ giúp bạn tránh khỏi thế khó, đồng thời hai bạn cũng có nhiều chuyện kể cho nhau hơn là hỏi về thu nhập cá nhân.
Đôi khi bắt đầu bằng một câu hỏi về thu nhập là cách để người đối diện dễ dàng giao tiếp với bạn khi hai người lâu ngày không trò chuyện. Vì vậy, bạn có thể hướng chủ đề của cuộc trò chuyện qua những câu chuyện về sở thích chung, hoặc chủ đề đang hot trên xã hội hoặc về chính bản thân người hỏi,…
2. Tâm sự thẳng thắn về công việc của mình
Trong một số tình huống bạn nhận được câu hỏi tương tự nhưng xuất phát từ sự quan tâm của người thân bạn bè, hoặc bạn không ngần ngại về việc chia sẻ thông tin cá nhân, thì có thể thoải mái nói về tình hình công việc hiện tại, mức thu nhập mong muốn và những dự tính công việc của bạn trong tương lai. Biết đâu họ sẽ có giải pháp giúp bạn tháo gỡ vấn đề và hỗ trợ bạn trong công việc.
3. Thả vài câu bông đùa ngắn gọn nhưng gửi gắm ý nghĩa thâm thuý
Nếu bạn cảm thấy không hài lòng về những câu hỏi “quan tâm” nhưng hơi vô duyên này thì tại sao không thả một câu bông đùa thâm thuý xem sao. Biết đâu cách này sẽ giúp người đối diện nhận ra bạn không thoải mái với những câu hỏi này và sẽ không hỏi lại những câu hỏi tương tự.
Bạn đừng lo lắng vì những câu này có thể khiến người kia hiểu sai và nghĩ xấu về bạn, chỉ cần thể hiện tâm trạng vui vẻ và khéo léo một chút là được, kiểu như:
“Vâng! Cháu giàu lắm, giàu mới đi/mặc giày/quần áo cũ thế này đó”
4. Giữ im lặng và tránh đi chỗ khác
Để giữ phép lịch sự, đặc biệt với người thân trong nhà hoặc anh/em, bạn bè thân thiết, tất nhiên bạn không thể áp dụng cách giữ im lặng và tránh chỗ khác khi được “chỉ mặt đặt tên”. Tuy nhiên, nếu không muốn rơi vào hoàn cảnh phải trả lời những câu hỏi khó từ người thân và không vô tình làm mất không khí Tết, bạn có thể tinh ý nhận ra nếu thấy có dấu hiệu và “chuồn” ngay khi có thể.
Điều đó giống như một cách từ chối khéo và cũng làm cho người đối diện hiểu rằng bạn không thoải mái với những câu hỏi tương tự.
5. Đáp trả gay gắt, thể hiện việc bạn không thoải mái với câu hỏi này
Phương án này sẽ phù hợp với những câu hỏi mang ý nghĩa “hỏi thăm” để thỏa mãn” bản tính tò mò của người đối diện. Bạn hãy thẳng thắn cho họ biết bạn không muốn trả lời và đó là vấn đề cá nhân của bạn kiểu như:
“Ừm, đủ tiêu”
“Nhiều lắm!”
Tuy nhiên, cách này chỉ nên sử dụng với những người “không thân lắm” thôi bạn nhé.
Suy cho cùng, những câu hỏi về chuyện thu nhập hay tình hình công việc từ ông bà, chú bác đều bắt nguồn từ sự quan tâm, lo lắng dành cho bạn. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy không thoải mái để trả lời thì hãy tham khảo những cách phản hồi khéo léo trên đây nhé.
Đọc thêm những bài viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân tại đây.
Có thể bạn cũng thích