Yêu Bản Thân
Beautiful Mess Effect – Vì sao bạn luôn phủ định chính mình?
Chúng ta nhiều khi rất dễ dãi với người khác nhưng lại quá khắt khe với bản thân.
Thật kỳ lạ khi những điều bạn cảm thấy tự ti, xấu xí nhưng trong mắt người khác lại bình thường đến không ngờ, thậm chí biến thành nét đẹp trong mắt họ. Ngược lại, bạn cũng sẽ cảm thấy tương tự như vậy với những người bạn yêu quý. Tâm lý học có một cụm từ dành cho hiện tượng này, đó là “beautiful mess effect”. Cùng Chaubuinet giải mã trong bài viết hôm nay nhé!
1. Beautiful mess effect là gì?
Theo tiếng Việt, cụm từ “beautiful mess” nghĩa là “mớ hỗn độn xinh đẹp”. Hiểu nôm na, đây là hiện tượng mâu thuẫn giữa cái nhìn tiêu cực của người trong cuộc và tích cực của người ngoài cuộc trong cùng một vấn đề.
Ví dụ, bạn vừa tỏ tình với crush và bị từ chối. Bạn cảm thấy xấu hổ vì mình thật bồng bột, nhưng trong mắt bạn bè xung quanh thì điều đó thật ngầu và đáng ngưỡng mộ. Hay, đứa bạn thân soi từng dáng ngồi hay mái tóc kỳ cục của mình trong hình, trong khi bạn lại chẳng thấy kỳ ở điểm nào.
Đó là biểu hiện của hiệu ứng mớ hỗn độn xinh đẹp (Beautiful Mess Effect).
2. Cội nguồn của ‘mớ hỗn độn xinh đẹp’ này
Khi hành động đúng đắn nhưng đụng chạm đến cái tôi hoặc chẳng may thất bại, người ta sẽ dễ rơi vào chiếc hố mặc cảm. Đó chính là “mớ hỗn độn” của mỗi người. Nhưng ngược lại, đối với người ngoài cuộc (không bị tác động bởi cái tôi), họ có thể thấy được điều tích cực, sức hấp dẫn của một nhân cách tốt. Đây chính là yếu tố “đẹp” trong “beautiful mess effect”.
Vậy cội nguồn của ‘beautiful mess effect’ này đến từ đâu? Vì đâu ta luôn phủ định chính mình?
Cội nguồn của “mớ hỗn độn” thường xuất phát từ xu hướng tiêu cực trước vấn đề cá nhân. Là người trong cuộc, mang cái nhìn vừa chi tiết, vừa chủ quan hơn, người ta luôn đánh giá vấn đề gay gắt hơn người ngoài.
Hơn nữa, chúng ta thường dễ khiến bản thân bị ám ảnh bởi sự cầu toàn và không ‘enjoy cái moment này’. Không thể phủ nhận lợi ích tích cực của sự cầu toàn. Nhưng đôi khi, những kỳ vọng cao và tiêu chuẩn khắt khe khiến áp lực trên vai bạn nặng dần. Chủ nghĩa hoàn hảo cũng có những mặt không hoàn hảo. Nó có thể kìm chân khiến bạn không hoàn thành được nhiều thứ, khắt khe với bản thân và dễ nảy sinh tự ti.
3. Điều xấu hổ của bạn không hẳn đã xấu trong mắt người khác
Chúng ta luôn có những điều không hài lòng về cuộc sống, về bản thân. Chúng ta ghen tị với người khác, chúng ta bận rộn nhớ tới những điều mình không có và dễ dàng quên đi những điều xinh đẹp vốn có sẵn trong con người mình. Đừng mặc cảm vì “mớ hỗn độn” của bản thân, điều xấu hổ của bạn không hẳn đã xấu trong mắt người khác.
Một số hành động bạn cho là xấu hổ lại thể hiện đức tính đáng trân trọng. Như tính khiêm tốn khi bạn tìm kiếm sự giúp đỡ từ lúc gặp khó khăn trong công việc, hoặc sự cao thượng khi bạn lên tiếng hoà giải trước căng thẳng. Lúc này, hiệu ứng mớ hỗn độn xinh đẹp đóng vai trò cổ vũ một thái độ sống tích cực, mở lòng, dám phơi bày và chấp nhận những điều không hoàn hảo của bản thân.
Đôi khi bạn có thể cho rằng người ngoài cuộc chẳng bao giờ hiểu được mức độ tồi tệ của sự việc. Điều này cũng đúng. Nhưng đừng quên lúc đó chúng ta đang bị choáng ngợp bởi cảm xúc, bị chi phối và khó có thể suy nghĩ thấu đáo, còn người ngoài cuộc thì bình tĩnh hơn và có thể nhìn được bức tranh toàn cảnh thay vì chỉ tập trung vào những điều tồi tệ. Họ có góc nhìn khách quan của “bên thứ 3”. Theo cách nhìn của bản thân, bạn thấy mình như kẻ thua cuộc khi thừa nhận một sự thật đáng xấu hổ, nhưng trong mắt người khác, có thể bạn lại là một người mạnh mẽ.
4. Làm thế nào để bản thân ngưng “make it complicated”?
Theo quy luật của tạo hóa, phủ định vốn là mắt khâu quan trọng trong quá trình dẫn tới sự ra đời của cái mới, phát triển, vận động và tiến bộ không ngừng. Tuy nhiên, mọi sự vật, sự việc, ở quy mô nhỏ hay lớn tới mức nào, đều tồn tại các mặt thống nhất song song với đối lập. Nó là tổng hòa cân bằng hoàn hảo các đối lập và thống nhất.
Vậy nên, nếu bạn đang không ngừng phủ định bản thân, làm cách nào để nó không ngăn bạn trở thành một phiên bản tốt hơn?
- Nếu không ngừng so sánh bản thân với người khác: Hãy tự thử nghiệm hành trình riêng cho mình. Chấp nhận thực tế và tự điều chỉnh lại kỳ vọng qua thời gian. Rèn luyện sức đề kháng tâm lý trước các tác động bên ngoài. Sau đó, tự kiểm soát, kiến tạo và tận dụng cơ hội.
- Nếu sự cầu toàn đang khiến bạn chật vật: Khi còn trẻ, chúng ta có quyền tin rằng mình có thể làm tất cả mọi thứ cùng lúc. Đã đến lúc bạn nhìn lại, liệu kỳ vọng của mình đã thực tế chưa? Mọi người bận tâm đến nỗ lực của họ hơn là sự cố gắng của bạn, nên bạn cần trân trọng chính mình và tận hưởng cả hành trình, thay vì chỉ xem trọng đích đến.
- Nếu muốn ngừng lo lắng người khác nghĩ gì về mình: Bạn cần tái lập trình lại tâm trí. Đòi hỏi bạn phải đối mặt với những định kiến, kiểm soát lại suy nghĩ trong tiềm thức qua việc liên tục trải nghiệm. Hoặc có thể chỉ do bạn nghĩ nhiều, thật ra người khác thích bạn nhiều hơn bạn nghĩ. Hãy thử thực hành với thiền hay chánh niệm. Đôi khi, điều xấu hổ trong mắt bạn lại là vẻ đẹp trong mắt người khác.
Hãy tin rằng dù bạn có đang cảm thấy thế nào, những người yêu quý bạn sẽ luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp và yêu cả những điều không hoàn hảo của bạn. Chúng ta đều là những mớ hỗn độn. Hy vọng bạn, tất cả chúng ta đều có thể nhìn thấy những điều xinh đẹp trong mớ hỗn độn của mình.
Lần tới khi bạn đang trải nghiệm một khoảnh khắc ‘hỗn độn xinh đẹp’, hãy ngừng lại một chút và ghi nhớ cảm nhận dễ chịu, suy nghĩ hạnh phúc và cảm xúc thỏa mãn lúc ấy nhé.
Bài viết được thực hiện bởi bạn Ha Chun trong chương trình “Sáng tạo content cùng Chaubuinet”!
Có thể bạn cũng thích