Phong Cách Sống
Barnum Effect – Vì đâu ta thường có xu hướng tin vào những điều mình muốn tin?
Đã bao lần bạn nghe trải bài tarot và ngạc nhiên vì nó chính xác một cách đáng ngạc nhiên?
Khi muốn tin vào điều gì đó, chúng ta luôn có thể tìm mọi cách để chứng minh rằng nó đúng. Dù không mấy liên quan, bạn vẫn sẽ cố tìm một cách liên tưởng nào đó để khiến nó trở nên logic một cách hợp lý. Theo góc độ tâm lý học, việc các bài trắc nghiệm tính cách, chiêm tinh luôn “có vẻ đúng” thường đến từ tâm lý người nghe hơn là độ chính xác thực tế.
Nếu bạn thắc mắc những mô tả tính cách và hay lời trải bài tarot thật chẳng trật đi đâu? Thật ra đây không phải là điều kì diệu nào cả, mà do một hiện tượng tâm lý có tên là Hiệu ứng Barnum (Barnum Effect). Cùng Chaubuinet giải mã hiệu ứng tâm lý này trong bài viết dưới đây nhé!
1. Hiệu ứng Barnum là gì?
Hiệu ứng Barnum (hay Forer) là một hiện tượng tâm lý miêu tả sự thiên vị của bản thân đối với những nhận định mang tính tích cực về mình, nhưng thực tế lại đúng với số đông.
Ví dụ như nói “Bạn còn những khả năng tiềm ẩn chưa được khai thác”, “Bạn muốn được mọi người yêu mến và ngưỡng mộ” hay “Có ai đó đang để ý bạn”. Chỉ cần nói chung chung như vậy, người nghe sẽ tự động tìm kiếm khoảnh khắc trùng khớp của bản thân và bắt đầu gật gù. Đó là Barnum Effect.
2. Hiệu ứng Barnum tồn tại từ bao giờ?
Barnum effect được đặt theo tên nghệ sĩ xiếc Phineas Taylor Barnum – một người giỏi thao túng tâm lý người khác bằng các mánh khóe tâm lý. Điều này đã được nhà tâm lý học người Mỹ Bertram R. Forer chứng minh vào năm 1948. Qua thí nghiệm, ông phát hiện một hiện tượng: chúng ta rất dễ bị thuyết phục bởi những mô tả khái quát nhưng tích cực về bản thân.
Năm 1950, nhà tâm lý học Paul Milgrom đặt tên cho kết quả thí nghiệm của Forer là ‘hiệu ứng Barnum’.
3. Hiệu ứng Barnum được ứng dụng trong cuộc sống như thế nào
Cối lõi của hiệu ứng này là việc tạo ra kết nối cá nhân; sau đó khiến đối tượng tin vào điều được truyền đạt. Dựa trên nền tảng đó, đối tượng sẽ tiếp tục tin vào những điều được truyền đạt kế tiếp.
“Barnum Effect” có mặt ở khắp nơi, dù vô tình hay có chủ đích sử dụng. Việc nhiều người trong chúng ta thường xuyên đọc Horoscope, xem chỉ tay, bói tarot, làm trắc nghiệm tính cách trên mạng là ví dụ. Thậm chí thực tế hơn là trong việc phân tích tình hình tài chính thị trường, marketing hay truyền thông, quảng cáo cũng có thể áp dụng.
a. Những nội dung mang tính cá nhân hoá từ các nhãn hàng
Khách hàng thường bị thu hút bởi dạng nội dung được cá nhân hóa (personalized), vì họ có cảm giác sản phẩm này được thiết kế dành riêng cho mình. Nhiều nhãn hàng biết cách áp dụng hiệu ứng Barnum để tạo ra các sản phẩm mang tính “duy nhất”. Ví dụ, Coca Cola từng in tên riêng trên bao bì để khách hàng săn lùng những mẫu sản phẩm có tên mình. Những nội dung cá nhân hóa sẽ khiến khách hàng yêu thích và trung thành với nhãn hàng hơn.
b. Những nội dung tăng tương tác trên mạng xã hội
Những bài đăng về tính cách dựa trên tháng sinh, năm tuổi, cung hoàng đạo, dự đoán tương lai… hoặc những video bói tarot online thường có lượt xem và lượt chia sẻ rất cao. Đó cũng là lý do vì sao Youtube ra mắt ứng dụng xem Tarot (Tarot with Youtube). Khi đăng nhập vào website này, bạn có thể trải nghiệm xem bói bài online với 3 chủ đề chính gồm: Tình yêu, Sức khỏe và Vận mệnh.
c. Marketing, truyền thông và quảng cáo
Thuyết phục khách hàng rằng họ đang gặp vấn đề nào đó, và sản phẩm/dịch vụ đang được quảng cáo sẽ giải quyết vấn đề cho họ. Hiệu ứng này giúp nhãn hàng như đang bắt trúng insight của đối tượng mục tiêu, nhờ đó dễ dàng kết nối và thuyết phục họ hơn.
d. Chiêm tinh, bói toán, xem chỉ tay
Những người bói toán đưa ra mô tả đúng với đại đa số, nhưng khách hàng tưởng “lời phán” chỉ dành cho mình, và người xem bói đang “đọc vị” mình bằng khả năng tâm linh. Nhờ đó, khách hàng càng dễ bị thuyết phục bởi những “lời phán” tiếp theo sau và xem nhẹ những lỗi sai nhỏ có thể có.
4. “Barnum Effect” có sức ảnh hưởng như thế nào?
Dù có vẻ vô hại, hiệu ứng Barnum cũng có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định và suy luận. Cụ thể, mặt trái của hiệu ứng này khiến chúng ta:
- Cho rằng những nhận xét tiêu cực không đúng với mình.
- Nghiêng về những phát biểu xu nịnh, tập trung vào điểm tích cực, bỏ qua hoặc giảm nhẹ điểm tiêu cực.
- Tự tạo bộ lọc để loại bỏ những điều không thuộc về bản thân và tự xác nhận những điều đáp ứng hình ảnh tự thân của mình
Đặc biệt, nếu quá tin vào nó, bạn sẽ có nguy cơ đánh giá sai về bản thân; bỏ qua những lời khuyên “sự thật mất lòng”. Hiện tượng tâm lý này cũng dễ đưa bạn rơi vào bẫy quảng cáo; mất tiền oan vào những gói dịch vụ “cá nhân hoá”, đọc tâm trí,… thiếu chất lượng.
5. Lời khuyên cho bạn
Thay vì quá tin vào những điều không hoàn toàn thực tế chúng ta nên:
- Tự hỏi xem liệu đây là có phải một lời nhận xét chung chung và luôn đúng trong mọi hoàn cảnh không? Hãy khoan đem nó về áp dụng cho mình.
- Luôn nhớ rằng những bài kiểm tra tâm lý cần trải qua rất nhiều năm để chứng thực được giá trị và tính đáng tin cậy. Hãy đón nhận một cách cởi mở và chỉ nên dừng ở mục đích giải trí.
- Hiểu bản thân và nhu cầu thực sự của mình qua nguồn tin uy tín như chuyên gia tâm lý, các bài kiểm tra tính cách được công nhận,… Càng hiểu rõ về mình, bạn sẽ càng phân biệt được thông tin đúng, sai. Nếu cần đánh giá chuyên môn, hãy tìm đến các chuyên gia trong lĩnh vực đó.
Trên thực tế, xem Tarot, chiêm tinh, bói toán… có thể là nơi đặt niềm tin; giúp giải tỏa những muộn phiền khó nói, giảm căng thẳng nhanh, gỡ rối hoặc chữa lành một số vấn đề. Tuy nhiên, nó chỉ có thể giúp ta nhìn ra các vấn đề chứ không thể giải quyết triệt để các vấn đề tâm lý bên trong.
Chaubuinet tin rằng chỉ cần bạn sống đúng với cảm xúc và lý trí của chính mình, điều đó sẽ tạo nên một bản thể hoàn hảo!
Có thể bạn cũng thích