Home / Phong Cách Sống / Bài học tài chính nên biết trước tuổi 30 – Những lưu ý dành cho người trẻ
Icon Icon Icon

Yêu Bản Thân

Bài học tài chính nên biết trước tuổi 30 – Những lưu ý dành cho người trẻ

Bạn đã biết về những khái niệm như hiểu biết tài chính và độc lập tài chính?

29/10/2021

Tài chính là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta, do vậy có kiến thức vững chắc và kế hoạch rõ ràng về tài chính ngay từ khi còn trẻ là điều cần thiết. Trong bài viết này hãy cùng điểm qua một số bài học tài chính nên biết trước tuổi 30 nhé!

Bắt đầu tìm hiểu về kiến thức tài chính

Rất nhiều người lầm tưởng rằng chỉ có những ai làm trong các lĩnh vực liên quan đến tài chính mới cần tìm hiểu kiến thức để phục vụ cho nghề nghiệp. Tuy nhiên trong thực tế, để có cuộc sống thịnh vượng thì tất cả chúng ta đều cần phải có hiểu biết cơ bản về mảng này. Trong tiếng Anh có một cụm từ rất phổ biến là “Financial literacy” đề cập đến việc một cá nhân có hiểu biết cơ bản về tài chính.

Ảnh – AMMS Assignment Service

Hiểu biết về tài chính (financial literacy) sẽ giúp cho cá nhân có thể đảm bảo được sự ổn định tài chính trong cuộc sống, từ đó nâng cao mức sống của bản thân bằng cách:

  • Đưa ra những quyết định về tài chính một cách thông minh.
  • Quản lý tiền và các khoản nợ tốt hơn.
  • Biết cách đặt ra mục tiêu và kế hoạch tài chính khả thi.

Để được xem là hiểu biết về tài chính, bạn trẻ có thể bắt đầu tìm hiểu kiến thức căn bản ở những mảng:

  • Lập kế hoạch ngân sách cho bản thân: Tiền nên được chia thành những phần nhỏ nào với tỷ lệ bao nhiêu?
  • Đầu tư: Đầu tư tiền của mình vào đâu để thu được hiệu quả tối đa?
  • Thuế: Các khoản tiền, tài sản của mình đang bị đánh thuế như thế nào? Mức thuế sẽ tăng như thế nào nếu tiền và tài sản của mình tăng lên?
  • Quản lý tài chính cá nhân: Làm sao để đạt được tự do về tài chính?

Đặt mục tiêu tài chính và lập kế hoạch cho bản thân

Quản lý tài chính cá nhân là hoạt động suốt đời, cần nhiều sự tính toán và kỷ luật. Chúng ta quản lý càng hiệu quả sẽ càng dễ thoát khỏi sự phụ thuộc vào tài chính. Và vì là hoạt động suốt đời nên sẽ cần những mục tiêu và kế hoạch rõ ràng để có phương hướng và động lực cố gắng.

Dưới đây là một số mức độ về tự do tài chính mà bạn có thể tham khảo để lựa chọn thành mục tiêu cho bản thân:

  • Mức độ 1: Đủ khả năng tài chính – có khả năng trả các khoản nợ của bản thân đúng hạn mà không cần sự giúp đỡ từ người khác.
  • Mức độ 2: Ổn định về tài chính – có nguồn tài chính hàng tháng đều đặn và có quỹ dự phòng trường hợp khẩn cấp.
  • Mức độ 3: Tự do về nợ – có đủ khả năng tài chính để ổn định cuộc sống hằng ngày và hoàn toàn không phải mượn nợ.
  • Mức độ 4: Đảm bảo về tài chính – có nguồn tài chính ổn định, không phải quá cố gắng làm việc vì tiền mà có thể lựa chọn công việc có mức lương vừa đủ nhưng mình yêu thích.
  • Mức độ 5: Độc lập về tài chính – có nguồn tài chính đủ lớn đề chi trả cho mức sống cơ bản của bản thân (các nhu cầu cơ bản hàng ngày) mà không cần phải đi làm.
  • Mức độ 7: Tự do về tài chính – có nguồn tiền đủ lớn để chi trả cho mức sống cao của bản thân (các nhu cầu cơ bản và các nhu cầu cao cấp) mà không cần phải đi làm.
  • Mức độ 8: Dư giả về tài chính – có nguồn tiền rất lớn mà bản thân không thể tự tiêu xài hết.

Lưu ý về các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn

Các khoản nợ là thứ có thể phá hỏng mọi kế hoạch về tài chính, thậm chí ảnh hưởng lâu dài đối với cuộc sống của bạn. Do đó, khi còn trẻ hãy thực sự cần trọng đối với các khoản nợ.

Trước hết, khi còn trẻ hãy cố gắng đừng mắc nợ. Thủ tục vay nợ càng ngày càng đơn giản thông qua các dịch vụ như vay qua app không cần chứng minh tài chính, vay trả góp, mở thẻ tín dụng,… Điều này thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng của người trẻ, với xu hướng vay mượn trước để tiêu xài cho các nhu cầu không cần thiết. 

Tuy nhiên, đằng sau những khoản vay dễ dàng thường là mức lãi suất cao và áp lực trả tiền đúng hạn hàng tháng. Nếu không thanh toán kịp các khoản nợ sẽ rất dễ sa lầy vào vòng xoáy vay nợ – trả nợ liên tục. Tệ hơn nữa là trong những giai đoạn khủng hoảng, chúng ta không may bị mất việc hoặc mắc bệnh thì những khoản nợ sẽ thành gánh nặng khủng khiếp.

Ảnh – Freepik

Ở một góc nhìn khác, không thể phủ nhận việc vay nợ và dùng khoản tiền vay một cách thông minh sẽ giúp tạo đòn bẩy tài chính, gia tăng lợi nhuận gấp nhiều lần. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng với những người có kiến thức sâu rộng về tài chính đầu tư, có năng lực trong việc quản lý và sử dụng tiền. 

Do đó, nếu là một người không có quá nhiều kiến thức và kinh nghiệm về tài chính thì hãy thực sự cẩn trọng, hạn chế tối đa các khoản nợ cho những chi tiêu không quá cần thiết của mình.

Chi tiêu tiết kiệm và có quỹ dự phòng

Chúng ta không thể lường trước được tương lai sẽ có những biến cố gì xảy đến với mình. Do đó, ngay từ khi còn trẻ hãy luôn chuẩn bị một kế hoạch dự phòng cho bản thân. Hàng tháng, nên dành ra một khoản tiền nhất định để tiết kiệm sau đó mới bắt đầu chi tiêu. Số tiền tiết kiệm này sẽ tạo sự an tâm cho bạn cũng như giải quyết những sự cố bất ngờ.

Ngoài ra, bạn trẻ cũng nên có những quỹ dự phòng cho những biến cố có khả năng cao có thể xảy ra. Một số quỹ dự phòng phổ biến cho bản thân có thể kể đến như quỹ dự phòng thất nghiệp (chuẩn bị sẵn số tiền đủ sống trong ít nhất ba tháng phòng khi phải nghỉ việc đột xuất), quỹ dự phòng đau ốm bệnh tật (chuẩn bị sẵn số tiền đủ để chi trả cho một đợt bệnh lớn bất ngờ)

Hãy học và đầu tư tài chính thông minh

Chắc hẳn chúng ta đã nghe rất nhiều đến cụm từ “sức mạnh của lãi kép”, về cơ bản cụm từ này đề cập đến việc nếu biết đầu tư tiền thông minh, qua thời gian giá trị mang lại sẽ gấp nhiều lần. Do đó, để đạt được những mục tiêu về tài chính, không chỉ cần có công việc với mức lương hàng tháng ổn định mà còn cần biết đầu tư, để nhanh chóng gia tăng giá trị khoản tiền của mình. 

Đầu tư có nhiều kênh với nhiều mức độ rủi ro khác nhau như đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ,… Bạn trẻ có thể tìm hiểu kiến thức về những mảng này để lựa chọn kênh đầu tư và chiến lược đầu tư phù hợp.

Ảnh – Freepik

Trên đây là một số lưu ý về các bài học tài chính nên biết trước tuổi 30, mong rằng các bạn trẻ sẽ chủ động tìm hiểu thêm kiến thức về tài chính, xây dựng cho bản thân một kế hoạch hoàn thiện và sớm đạt được mục tiêu của mình.

Đọc thêm những bài viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân tại đây.

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon

Có thể bạn cũng thích

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!