Điểm Tin Thời Trang
8 trang phục nổi tiếng nhất trong lịch sử điện ảnh
Từ ngày bé, Châu đã nhớ mình luôn thích xem phim và bắt chước mặc theo các nhân vật trong phim. Thời trang và điện ảnh luôn gắn liền và truyền cho Châu thật nhiều cảm hứng. Đến tận bây giờ, khi xem phim Châu vẫn luôn chú ý vào chi tiết trang phục của nhân vật, vì chúng nói lên nhiều điều về người đó là ai và câu chuyện của họ có ý nghĩa ra sao.
Đây là 8 bộ trang phục trong phim luôn đứng đầu trong danh sách của Châu!
1. Breakfast at Tiffany’s, 1961
Không thể nói đến thời trang trong phim mà thiếu chiếc váy đen của nàng Holly Golightly trong phim Breakfast at Tiffany’s. Bộ váy đơn giản mà thanh lịch do Hubert Givenchy thiết kế, đi cùng chuỗi vòng kim cương và đôi găng tay nhung đã trở thành hình ảnh kinh điển cho cả sự nghiệp của Audrey Hepburn. Từ hình ảnh nàng Molly mặc chiếc váy đen mà giờ đây little black dress (LBD) cũng là món đồ không thể thiếu trong tủ quần áo của phụ nữ.
2. Mahogany, 1975
Mahogany kể về câu chuyện cuộc đời của Tracy Chambers (do diva Diana Ross thủ vai) từ một cô sinh viên nghèo đến từ Detroit trở thành một siêu mẫu và nhà thiết kế thời trang hàng đầu tại Rome. Theo mỗi bước biến chuyển của Tracy trong thế giới thời trang là một tủ trang phục đầy hào nhoáng. Bộ váy dạ hội màu hồng tím đi cùng khăn turban cùng màu mà Diana Ross mặc trên poster phim là một trong những khoảng khắc đáng nhớ của Hollywood, khi một diễn viên da màu lần đầu tiên được tôn vinh trong vai chính của bộ phim thời trang. Phong cách của Diana Ross trong bộ phim cũng là đại diện của thời trang những năm 70 và còn ảnh hưởng đến các thế hệ nhà thiết kế sau này, cụ thể là Marc Jacobs trong bộ sưu tập Xuân hè 2018.
3. Pulp Fiction, 1994
Chiếc áo sơ mi trắng của nàng Mia Wallace trong bộ phim kinh điển Pulp Fiction là lý do tại sao phụ nữ tôn sùng món đồ đơn giản mà rất đỗi thời trang này. Sự ngang tàng, buông thả có phần hư hỏng của Mia được thể hiện tuyệt vời qua chiếc áo sơ mi dáng nam oversize, sắn hờ tay áo, phối cùng quần bó đen và đôi giày búp bê. Đây là một trong những trang phục đại diện cho thời trang của những năm 90.
4. Tâm trạng khi yêu, 2000
Trang phục và màu sắc đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong siêu phẩm Tâm trạng khi yêu của Vương Gia Vệ. Lấy bối cảnh những năm 1960 ở Hong Kong, Trương Mạn Ngọc thủ vai bà Trương, người phụ nữ xinh đẹp mắc kẹt trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc cho đến khi gặp ông Chu (Lương Triều Vỹ). Trang phục của Trương Mạn Ngọc lấy cảm hứng từ những chiếc váy sườn xám của Thượng Hải, màu sắc tinh tế và yêu kiều, kín đáo mà vẫn quyến rũ, thể hiện một bà Trương truyền thống nhưng đầy mong muốn được yêu thương.
5. The Royal Tenenbaums, 2001
Bất cứ bộ phim nào của đạo diễn Wes Anderson đều có phần hình ảnh thực sự phong cách và ấn tượng. Trang phục nhân vật cũng được chọn lựa kỹ lưỡng để thể hiện câu chuyện và sự phát triển tâm lý trong từng bộ phim. Thật khó để quên nàng thơ Margot Tenenbaum do Gwyneth Paltrow thủ vai, với mái tóc vàng cắt ngắn, mắt kẻ đậm, và luôn cầm trên tay điếu thuốc lá. Trang phục của Margot cũng thể hiện cá tính của nàng: váy tennis ngắn kẻ sọc, áo khoác lông thú của Fendi và túi xách Hermes, tất cả đã đưa Margot lập tức thành một biểu tượng thời trang trong lịch sử điện ảnh.
6. The Great Gatsby, 2013
Bối cảnh của The Great Gatsby là những bữa tiệc xa hoa của giới thượng lưu New York trong những năm 1920, nhưng trang phục của nhân vật thì được hiện đại hoá với những chiếc váy dạ tiệc đẹp thẫn thờ của Prada và Miu Miu. Đặc biệt là trang phục của nàng Daisy với những chiếc váy lấp lánh sang trọng, phối cùng trang sức và giày cùng tông, tạo nên một vẻ đẹp thượng lưu choáng ngợp của thời đại.
7. Carol, 2015
Carol là một câu chuyện tình lãng mạn và buồn thảm của hai người phụ nữ sống tại New York trong những năm 50. Nhà thiết kế trang phục cho bộ phim là Sandy Powell, người đã tốt nghiệp trường Central Saint Martins nổi tiếng và từng đoạt nhiều giải thưởng cho các bộ phim lịch sử như Shakespeare in Love, The Young Victoria. Trong Carol, Sandy Powell đã chọn những chiếc váy và áo khoác đầy tinh tế, đặc biệt là dành cho nhân vật Carol Aird do Cate Blanchett thủ vai. Một nhân vật có cực kỳ nhiều xung đột trong tâm lý, một người phụ nữ thượng lưu thành công và giàu có nhưng phải sống trong bí mật về giới tính và tình yêu. Tủ quần áo của cô cũng phần nào thể hiện điều này: những chiếc áo khoác tuyệt đẹp, găng tay lụa và trang sức đắt tiền. Và chỉ khi ở bên Therese, cô mới cởi bỏ sự hào nhoáng ấy với những chiếc váy đơn giản, nữ tính và thân mật.
8. Crazy Rich Asians, 2018
Khi ra mắt, Crazy Rich Asians đã tạo ra một ảnh hưởng văn hoá lớn vì lần đầu tiên, người Châu Á được khắc hoạ trong lối sống thượng lưu, giàu có và đẳng cấp chứ không chỉ là những con người nhập cư đến Mỹ. Trong cả gia đình Young, có lẽ không ai đẹp và thời trang hơn chị họ Astrid. Tủ đồ của Astrid trải dài từ những bộ sưu tập couture cho đến những chiếc đầm của Marchesa và Ralf and Russo, chưa kể đến bộ sưu tập trang sức kim cương trị giá nhiều triệu đô cũng được sử dụng trong bộ phim hào nhoáng này.
Có thể bạn cũng thích