
Yêu Bản Thân
7 điều cần chú ý khi tìm việc sau mùa dịch
Bạn đã đủ tự tin để tìm kiếm công việc mình mong đợi?
Việt Nam đã mở cửa trở lại, đồng nghĩa với việc thị trường tuyển dụng sẽ nhộn nhịp hơn sau thời gian giãn cách! Nếu bạn mới ra trường hoặc đang trong quá trình tìm công việc phù hợp, thì đây là lúc quan trọng để bạn xây dựng một CV thật chuẩn và bắt đầu gửi đến những công ty bạn quan tâm.
Đây là 7 tips để bạn có thể tự tin hơn trong quá trình kiếm việc sau mùa dịch, hãy note lại và lên kế hoạch thực hiện ngay!
1. Tân trang lại trang LinkedIn cá nhân
Dù bạn tìm kiếm công việc với công ty Việt Nam hay quốc tế, profile trên LinkedIn của bạn sẽ là một công cụ cực kỳ hữu ích để kết nối bạn với nhà tuyển dụng. Nếu bạn chưa có trang LinkedIn cá nhân, hãy bắt đầu ngay nhé! Những yếu tố cơ bản như: ảnh profile chuyên nghiệp, điền thông tin kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng bạn có… sẽ là những thông tin mà hầu hết các công ty tìm kiếm với ứng viên của mình.
Ngoài ra, bạn cũng nên mạnh dạn đi xin thư giới thiệu từ những mối quan hệ đã có sẵn, ví dụ như một giáo viên ở trường, một người đồng nghiệp hay sếp trước đây, để profile của bạn trông đẹp và đa dạng hơn.
2. Sửa sang lại CV của bạn
Hãy nhìn lại CV bạn đang có và tự đánh giá xem nếu ở vị trí người tuyển dụng, bạn có muốn tuyển chính mình không? Nếu muốn trở nên cạnh tranh và nổi bật hơn thì CV của bạn đầu tiên là nên trình bày gọn gàng, sạch sẽ, không lỗi typo hay chính tả. Nếu bạn có thể thiết kế CV hoặc hay hơn nữa là biến CV thành video, thành portfolio, thì sẽ càng dễ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Tất nhiên, sáng tạo đến đâu thì CV vẫn phải phù hợp với công việc và công ty bạn muốn ứng tuyển.
Bạn cũng có thể nhờ các anh, chị, bạn bè có kinh nghiệm tìm việc xem hộ CV để có thể hoàn chỉnh về thiết kế và nội dung nhé.
3. Đọc kỹ yêu cầu công việc
Hiện nay, hầu hết các nhà tuyển dụng đều có job description cực kỳ cụ thể cho mỗi vị trí đang tìm kiếm ứng viên. Hãy dành thời gian lập danh sách những job description của từng công việc bạn đang muốn ứng tuyển để hiểu xem một ứng viên tiềm năng sẽ cần kinh nghiệm và kỹ năng ra sao.
Tốt hơn nữa thì bạn vào website hoặc trang Facebook, LinkedIn của nhà tuyển dụng để hiểu về sản phẩm, dịch vụ, nhân viên, văn hoá công ty. Những điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị CV một cách phù hợp nhất với vị trí ứng tuyển, cũng như giúp cho buổi phỏng vấn sau này của bạn diễn ra suôn sẻ.
4. Học thêm những kỹ năng bạn chưa có

Sau một thời gian ứng tuyển và tìm hiểu về thị trường tuyển dụng, nhiều khả năng bạn sẽ nhận thấy có một số kỹ năng mình còn thiếu. Ví dụ như quảng cáo Facebook, chỉnh sửa ảnh/video, làm website, kỹ năng tiếng Anh giao tiếp, viết content, sử dụng Excel, kỹ năng bán hàng… Đừng lo lắng hoặc chùn bước, vì tin tốt là hiện nay bạn có thể học tất cả những kỹ năng đó từ các khoá học online!
Nếu bạn chưa biết học gì trước thì hãy chọn ra 3 công việc bạn thích nhất, đọc job description của từng công việc, gạch đầu dòng ra những kỹ năng mình thiếu, và bắt đầu học thôi!
5. Kiểm ra lại tài khoản mạng xã hội
Có một điều các bạn trẻ có thể quên mất, đó là hiện nay nhiều nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm tài khoản cá nhân của bạn trên mạng xã hội để kiểm tra background của bạn. Đây có thể là một phần trong quá trình tuyển dụng của công ty, hoặc cũng có thể vì nhà tuyển dụng muốn kiểm tra xem những thông tin bạn có trong CV có chính xác không. Dù sao thì bạn cũng nên rà soát những thông tin trong trạng thái public của mình trên Facebook, Instagram hay Tiktok xem có gì có thể gây khó dễ cho bản thân trong quá trình tuyển dụng không.
6. Phát triển network
Một điều bạn có thể không biết về thị trường tuyển dụng: 90% các công việc thường tuyển ứng viên qua mối quan hệ nhiều hơn là trên các trang web tuyển dụng. Đây không phải là quan hệ “con ông cháu cha” như ngày xưa, mà là qua network của mỗi cá nhân. Vì vậy, một trong những bước quan trọng trong quá trình tuyển dụng là xây dựng network trong ngành mà bạn đang quan tâm.
Ví dụ nếu bạn muốn tìm việc trong ngành marketing, hãy lên LinkedIn tìm kiếm những anh, chị có công việc liên quan đến marketing để xem họ chia sẻ những thông tin gì, mình có thể làm quen không, có cơ hội nào cho mình không. Tham gia nhiều sự kiện networking hoặc hội thảo theo ngành hoặc chủ đề bạn quan tâm cũng là cách hay để mở rộng quan hệ đấy.
7. Chuẩn bị kỹ năng phỏng vấn
Dù là phỏng vấn online hay offline, bạn luôn cần chuẩn bị thật kỹ càng để cảm thấy tự tin thể hiện bản thân cho nhà tuyển dụng hơn. Quá trình chuẩn bị phỏng vấn bao gồm tập dượt những câu hỏi phỏng vấn thông dụng, ghi nhớ kỹ những thông tin bạn đã tìm hiểu về công ty và vị trí tuyển dụng, chuẩn bị quần áo, trang điểm…
Bạn có thể xem thêm những thông tin này trong buổi Quaranstream chủ đề “Tìm kiếm việc làm trong mùa dịch” của Châu và chị Thái Vân Linh nhé! Chúc bạn sớm tìm được công việc mong muốn!
Có thể bạn cũng thích