
Yêu Bản Thân
7 cách giảm bớt chi tiêu mùa dịch
Cùng rà soát lại những khoản chi tiêu chưa hợp lý nhé!
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước. Châu cảm thấy may mắn vì vẫn có thể tiếp tục làm việc tại nhà, nhưng có biết bao nhiêu gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng trong mùa giãn cách này. Với những bạn trẻ đang cảm thấy lo lắng về công việc của mình trong tương lai gần, hoặc chưa kiếm được công việc ổn định trong mùa dịch, thì ổn định tài chính chắn chắn là mối quan tâm hàng đầu.
Châu muốn chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân khi cần cắt giảm chi tiêu trong mùa dịch. Vì Châu ở một mình nên đây là những tips Châu cảm thấy có thể thực hiện được một cách hiệu quả. Tất nhiên là với các gia đình hoặc những hoàn cảnh khác nhau thì sẽ có những ưu tiên chi tiêu khác nhau. Hi vọng mọi người có thể chia sẻ thêm những ý tưởng tiết kiệm chi phí dưới comment nha!
- Lên kế hoạch chi tiêu cụ thể
Đối với các bạn trẻ mới ra trường và còn bỡ ngỡ trong việc lên kế hoạch chi tiêu, hãy tập trung vào 3 nhóm chi tiêu chính:
- Chi phí bắt buộc hàng tháng (tiền thuê nhà, ăn uống, hoá đơn tiền điện, nước, điện thoại, internet): 50% tổng thu nhập
- Tiền tiết kiệm: Ít nhất 20% tổng thu nhập
- Các khoản khác (chăm sóc sức khoẻ, thuốc thang, mua sắm, đi lại, trả nợ): 30% tổng thu nhập
Như vậy, ví dụ thu nhập một tháng của bạn khoảng 10 triệu, thì bạn có thể tính ra ngay được là chỉ tiêu 5 triệu vào chi phí cố định và tiết kiệm ít nhất 2 triệu/tháng. Điều này giúp chúng ta biết dừng lại khi tiêu quá hạn mức của từng nhóm.
2. Tiết kiệm trước, chi tiêu sau
Một tips tiết kiệm tiền mà Châu học được từ sớm đó là: mỗi khi nhận được lương, thu nhập, chúng ta nên lập tức cho tiền vào tài khoản tiết kiệm trước, sau đó là trả các chi phí cố định như tiền nhà, hoá đơn, nợ thẻ tín dụng. Sau đó còn dư thì mới nên cho phép bản thân mua sắm thêm những thứ mình muốn, tránh trường hợp “vung tay quá trán” và sau đó lại nợ nần để chi trả các chi phí bắt buộc. Thậm chí, có những app ngân hàng sẽ cho phép bạn đặt hẹn chuyển tiền tự động vào tài khoản tiết kiệm vào một ngày cố định mỗi tháng để mình không thể chần chừ hoặc tiêu tiền vào những thứ khác được.
3. Bỏ bớt những tài khoản không cần thiết
Hiện nay, nhiều ngân hàng, dịch vụ tín dụng thường chào mời chúng ta mở tài khoản, mở thẻ tín dụng miễn phí năm đầu cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn. Tuy nhiên, điều này dẫn đến thực trạng là chúng ta có nhiều tài khoản một lúc, không quản lý tốt về chi tiêu. Thậm chí một số dịch vụ còn tự động trừ tiền của chúng ta sau thời gian khuyến mại. Vì vậy, một vài tháng một lần Châu sẽ dò lại những chiếc thẻ hay tài khoản ngân hàng xem mình có sử dụng thường xuyên không, và đóng những thứ không cần thiết.
4. Cắt giảm chi phí cho ít nhất một thói quen, sở thích
Thực ra chúng ta có những thói quen chi tiêu tốn kha khá chi phí mỗi tháng mà mình không để ý, như uống cà phê bên ngoài, đồ ăn vặt, online shopping… Đợt này ở nhà là thời gian lý tưởng để chúng ta tập bỏ bớt một số thói quen không cần thiết. Ví dụ Châu thỉnh thoảng lên cơn thèm cà phê Cold Brew thì sẽ đi lên Youtube tìm cách làm. Hoặc mới đây Châu tập làm chocolate cookies để không cần mua ngoài hiệu nữa.
5. Rà soát lại những chi phí cố định
Có một số khoản chi được trừ tự động khỏi tài khoản của chúng ta mỗi tháng, như là Netflix, Spotify, tiền điện, subscribe tạp chí, dịch vụ online… mà có khi mình cũng không để ý vì coi như dĩ nhiên phải nộp. Nhưng khi cần cắt giảm chi phí thì rà soát lại những khoản cố định này cũng là ý hay. Ví dụ như tiết kiệm điện để giảm hoá đơn mỗi tháng, hoặc thay vì subscribe nhiều kênh xem phim online khác nhau thì chỉ xem 1 kênh thôi… cũng giúp bạn tiết kiệm được kha khá đấy!
6. Sử dụng ứng dụng kiểm soát tài chính cá nhân
Có rất nhiều ứng dụng giúp Gen Z có thể quản lý tài chính cá nhân tốt hơn, như là Money Lover, Mint, Spendee, Money Mate… Tuy ban đầu sẽ hơi lằng nhằng khi phải nhớ từng khoản chi tiêu nhỏ nhỏ, nhưng khi đã thành thói quen thì Châu thấy đây là cách khá khoa học để cắt giảm chi tiêu, vì mình sẽ nhìn ra được luôn mình đang tiêu vào danh mục nào nhiều nhất, nên bớt ở đâu, thêm chỗ nào… Bên cạnh đó, các app còn có thể có dịch vụ cash back khi mua sắm online trên các dịch vụ ăn uống, sàn thương mại điện tử, nên chúng ta cũng tiết kiệm được thêm chút tiền nữa. Một số app này sẽ mất tiền hàng tháng để sử dụng nên mọi người tìm hiểu kỹ trước khi download về nha!
7. Đừng đầu tư thiếu hiểu biết
Năm nay, rất nhiều bạn trẻ bắt đầu tìm hiểu về đầu tư chứng khoán, tiền ảo… để tăng thu nhập cho bản thân. Điều này là cực kỳ đáng làm! Tuy vậy, chỉ nên đầu tư khi bạn thực sự hiểu sản phẩm và thị trường mà mình đang đầu tư vào. Và đừng nghe theo những lời khuyên trên mạng về làm giàu nhanh kiếm tiền nhanh trong mùa dịch nhé. Cách kiếm tiền nào cũng cần sự kiên nhẫn và kiến thức thì mới lâu bền được nha các bác.
Có thể bạn cũng thích