Yêu Bản Thân
6 kỹ năng cần thiết cho công việc đầu tiên sau khi ra trường
Khi mới ra trường, chắc chắn các bạn trẻ sẽ có những bỡ ngỡ để bắt đầu làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Những kỹ năng ở bậc đại học sẽ cần được thay đổi và điều chỉnh để phù hợp với kỳ vọng, yêu cầu của mỗi ngành, mỗi công ty và mỗi vị trí bạn ứng tuyển.
Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, sau đây là 8 kỹ năng bạn sẽ cần chuẩn bị cho công việc đầu tiên sau khi ra trường. Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn có sự tự tin hơn khi đối mặt với những áp lực khi làm quen với môi trường mới nhé!
1. Kỹ năng giao tiếp hiệu quả
Hầu hết các công việc sẽ yêu cầu bạn có kỹ năng giao tiếp hiệu quả. Điều này có nghĩa là bạn có khả năng giải thích ý tưởng, ý nghĩ một cách rõ ràng dù là qua cách nói chuyện hay viết email.
Những ví dụ cụ thể của quá trình giao tiếp trong công ty bao gồm:
- Kỹ năng viết email đơn giản, gãy gọn, đủ ý và đúng chính tả
- Kỹ năng viết báo cáo
- Kỹ năng trình bày trước đám đông
- Kỹ năng nói chuyện với khách hàng, đối tác
- Kỹ năng nói chuyện với đồng nghiệp từ cùng team hoặc các phòng ban khác để phối hợp trong công việc
2. Kỹ năng làm việc nhóm
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của khả năng làm việc với những người xung quanh khi bạn đi làm. Đơn giản, đó là khả năng phối hợp cùng đồng nghiệp để đạt được mục tiêu mong muốn. Bạn sẽ cần tìm cách làm việc với đồng nghiệp trong công việc cũng như kết nối với họ ngoài thời gian làm việc.
Một số ví dụ của kỹ năng làm việc nhóm bao gồm:
- Biết cách phân chia công việc hiệu quả trong nhóm
- Biết cách giải quyết các vấn đề, tranh cãi trong thời gian làm việc
- Biết cách giải thích với đồng nghiệp lý do, mục tiêu, quá trình và thời gian hoàn thành của công việc
- Hiểu được điểm yếu, điểm mạnh của những thành viên trong nhóm để có cách phối hợp hiệu quả
- Hiểu được công việc nhóm mình đang làm có ảnh hưởng đến cách thành viên khác trong công ty như thế nào
- Chủ động hỗ trợ và thẳng thắn chia sẻ với đồng nghiệp trong công việc
3. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Trong công việc, không tránh khỏi những khoảnh khắc khi bạn bị thử thách trong dự án được giao hoặc đơn giản là không biết cách hoàn thành công việc. Kỹ năng suy nghĩ độc lập và giải quyết vấn đề luôn được các công ty coi trọng, đặc biệt là trong công việc đầu tiên của bạn.
Để nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề, hãy chú ý:
- Luôn tìm hiểu kỹ công việc được giao: tại sao bạn cần hoàn thành công việc này, công ty đang cố gắng đạt được mục tiêu hay giải quyết vấn đề gì cho khách hàng
- Có tư duy phản biện để đoán định được một số thử thách sẽ xuất hiện trong quá trình làm việc
- Suy nghĩ về một vài hướng giải quyết tiềm năng trước khi phàn nàn với sếp hay đồng nghiệp
- Hỏi han đồng nghiệp, người đi trước xem họ từng giải quyết những vấn đề tương tự ra sao
4. Kỹ năng chủ động trong công việc
Sếp và đồng nghiệp của bạn sẽ luôn coi trọng những nhân viên chủ động trong công việc, đặc biệt là những nhân viên mới. Sự chủ động là khi bạn hiểu những công việc cần làm và thực hiện trước khi ai đó yêu cầu. Hoặc bạn luôn suy nghĩ một cách sáng tạo về cách nâng cao hiệu quả công việc và chia sẻ với đồng nghiệp về điều này.
- Chủ động nói chuyện với đồng nghiệp (đặc biệt là trong những ngày đầu tiên tại công việc mới) để xem bạn có thể hỗ trợ ai một cách tốt nhất
- Nếu không thể hoặc không biết cách hoàn thiện công việc đúng thời hạn, hãy hỏi sếp và đồng nghiệp xung quanh ngay lập tức để không ảnh hưởng đến tiến độ chung
- Chú ý cách đồng nghiệp đang thực hiện công việc hàng ngày để nâng cao hiệu quả công việc khi có thể
- Đừng ngần ngại lên lịch họp hàng tuần với sếp, dù chỉ 15-20 phút để trao đổi về những vướng mắc hoặc công việc trong tuần
5. Kỹ năng lên kế hoạch và sắp xếp công việc
Với công việc đầu tiên khi ra trường, rất có thể bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp vì khối lượng công việc, deadline gấp gáp, hoặc những kỹ năng mới cần học trong thời gian ngắn. Đây là lúc bạn cần trau dồi kỹ năng quản lý thời gian, lên kế hoạch và sắp xếp công việc để không lỡ mất những deadline quan trọng của team.
- Tìm hiểu những cách để nâng cao hiệu quả công việc cho bản thân (ví dụ như phương pháp Pomodoro)
- Luôn biết cách ưu tiên công việc cần hoàn thành trước, lập to-do list mỗi ngày trước khi bắt đầu ngày làm việc
- Có thể chia sẻ khối lượng công việc và biết cách phối hợp với đồng nghiệp thay vì nhận quá nhiều việc chồng chất
- Có thể hoàn thành công việc mà không cần ai phải kiểm tra hoặc theo dõi thường xuyên
6. Các kỹ năng cứng khác
Cuối cùng, hãy luôn chú ý học hỏi những kỹ năng mới để hoàn thành công việc hiệu quả hơn và giảm bớt áp lực cho bản thân trong công việc đầu tiên. Những chuyện như biết cách sử dụng excel, word, hoàn thành bài thuyết trình, đọc số liệu, giao tiếp tiếng Anh, lập trình cơ bản, bán hàng… sẽ giúp bạn đạt được những mục tiêu trong công việc đầu tiên của mình. Hãy tìm ra kỹ năng gì là quan trọng nhất trong vị trí của bạn để ưu tiên học hỏi một cách chuyên sâu trước nhé!
Có thể bạn cũng thích