Home / Thời Trang / 5 điều cần tránh khi theo học thiết kế thời trang
Icon Icon Icon

Điểm Tin Thời Trang

5 điều cần tránh khi theo học thiết kế thời trang

Học thiết kế thời trang là một quá trình mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thực tế thú vị!

16/10/2021

Bạn có tò mò muốn nghe lời khuyên từ một sinh viên Thời trang vốn luôn đạt điểm xuất sắc tại trường thiết kế quốc tế có danh tiếng tại Việt Nam?

Bùi Lê Ngọc Vy hiện là sinh viên Học viện Thiết kế và thời trang London Hà Nội (LCDF). Theo học song song 2 chuyên ngành Thiết kế Thời trang và Truyền thông – Marketing Thời trang nhưng Ngọc Vy vẫn luôn đạt điểm tuyệt đối hầu hết các môn.

Trên blog The Fashion Alley của mình (blog cũng chính là một bài tập thực tế của sinh viên chuyên ngành Marketing và Truyền thông thời trang tại LCDF-Hanoi), nhà thiết kế trẻ này đã gửi tới các sinh viên thời trang 5 lời khuyên vô cùng thực tế về những điều nên tránh trong quá trình học thiết kế thời trang. Cùng lắng nghe chia sẻ của Vy nhé!

Bùi Lê Ngọc Vy từng là chủ nhiệm CLB thời trang LaMode đình đám của trường Hà Nội Ams. (Ảnh: The Fashion Alley)

Sai lầm 1: suy nghĩ tiêu cực

Đối với những bạn theo ngành nghệ thuật hay thiết kế thời trang, sẽ có rất nhiều lúc chúng ta bí ý tưởng, bế tắc khi làm đồ án. Khi ấy, theo quán tính, chúng ta thường than trách hoàn cảnh, trách bản thân hoặc suy nghĩ bỏ cuộc. Nhưng sự thật là những thói quen đó sẽ dần vô tình tác động vào tiềm thức của bạn, bạn tin nó là đúng thì cuối cùng bạn sẽ không còn động lực cố gắng nữa. Sẽ rất khó để có thể kiềm chế cảm xúc, nhưng ta cần bình tâm lại và xem đó là điều tất yếu của con đường mình đã chọn.

Quan trọng nhất, bạn không nên nhạy cảm và suy nghĩ tiêu cực vào 2 thời điểm sau: quá trình đi tìm ý tưởng thiết kế và quá trình may rập. Tại sao?

Một thiết kế của Ngọc Vy trong kỳ học đầu tiên tại LCDF – Hanoi (Ảnh: Ngọc Vy)

Thứ nhất, quá trình đi tìm ý tưởng thiết kế là thời điểm bạn cần mở mang tâm trí để xác định bộ sưu tập/đồ án của mình làm về chủ đề gì. Điều này đồng nghĩa với việc bạn cần có những nguồn cảm hứng, sự sáng tạo của bạn sẽ không có vị trí để phát triển nếu bị những suy nghĩ tiêu cực xâm chiếm. Đừng trách bản thân vì chưa thể có một ý tưởng hay, cũng đừng sợ khi bạn cảm thấy tâm trí mình trống rỗng. Bạn phải có khoảng trống thì mới có thể tiếp nhận cái mới và bạn phải sai thì mới có cơ hội nhận ra thế nào là đúng.

Thứ hai, may rập là một trong những giai đoạn nhạy cảm nhất về mặt tâm lí đối với phần lớn sinh viên thiết kế thời trang. Hầu hết chúng mình chưa có kinh nghiệm từ trước với công việc này và thường cảm thấy vô cùng khó khăn khi phải làm quen với các kĩ thuật may mặc. Chúng mình không chỉ trải qua những lần tháo ra may lại, may hỏng mà còn phải tự sửa chữa các lỗi của máy may như rối chỉ, gãy kim, lệch ổ vận hành, không đánh suốt được…Mình từng khóc khi phải tự làm tất cả những công việc này. Nhưng mình hãy cứ làm thôi, hỏng thì hít một hơi thật sâu và tự nhủ “sai thì làm lại!”, “rồi kiểu gì cũng phải xong thôi”. Tinh thần tích cực sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn đấy!

Tự nhận không có nhiều thế mạnh về may nhưng Ngọc Vy vẫn luôn tìm được cách vượt qua. (Ảnh: The Fashion Alley)

Sai lầm 2: So sánh phong cách của bản thân mình với người khác.

Đây là một trong những tâm lý phổ biến của sinh viên thiết kế thời trang. Có những người so sánh để rồi tự ti vào bản thân, nhưng cũng có những người so sánh để tự mãn trên sự sáng tạo của người khác. Dù là kiểu so sánh nào thì cá nhân mình cũng thấy đó không phải là một điều tốt. Bạn có thể nhìn xung quanh, có quyền đánh giá, bình luận vì ai cũng có quan điểm cá nhân, nhưng đừng so sánh giữa họ và mình bởi cách tư duy của chúng ta khác nhau. Cũng sẽ có người thích tác phẩm của bạn và có người thì không. Chúng ta không sáng tạo chỉ để làm hài lòng ai đó và người khác cũng không có nghĩa vụ phải làm vậy với ta. Một khi có thói quen so sánh, điều đó có nghĩa quan điểm nghệ thuật của ta bị phụ thuộc vào một đối tượng thứ 3 và đôi khi sẽ mất đi chính kiến. Tầm nhìn hạn chế về bản thân cũng như về người khác sẽ phần nào cản trở sức sáng tạo của bạn.

Ngọc Vy vừa học cùng lúc 2 chuyên ngành vừa đảm nhận công việc thiết kế, marketing cho một local brand đình đám tại Hà Nội. (Ảnh: The Fashion Alley)

Sai lầm 3: Không phân biệt được việc trùng lặp ý tưởng và vấn đề đạo nhái

Trong thiết kế thời trang, vấn đề về bản quyền và sức sáng tạo thường trở nên nhạy cảm khi ta bắt gặp sự tương đồng giữa các tác phẩm. Nhưng trùng lặp ý tưởng không có nghĩa là đạo nhái. Sáng tạo là một quá trình tự do và không có giới hạn, việc thiết kế của bạn đôi khi vô tình có nét hao hao giống của một ai đó không phải là điều đáng trách hay bất thường.

Trên đời, có rất nhiều những ý tưởng trùng lặp và ngay cả giữa các nhà thiết kế lớn cũng vậy. Thậm chí việc phong cách của bạn được ảnh hưởng và truyền cảm hứng từ ai đó cũng là điều hết sức bình thường, bạn không cần tự ti về điều đó. Tuy nhiên, nếu bạn bắt chước ai đó quá nhiều, nhất là phạm vào những chi tiết mang tính “signature style” của họ thì điều đó có thể coi là đạo nhái. Để kết luận điều này, ta cần có những cơ sở nhất định.

Đừng để tâm lý nhạy cảm với nét tương đồng trong kiểu dáng, lối tư duy mà tự gây ra cho mình những trạng thái tiêu cực đáng tiếc trong quá trình sáng tạo.

Trùng ý tưởng không phải chuyện hiếm gặp trong thời trang. Nhà mốt Balmain và Givenchy từng đụng độ mẫu vest khoét eo trong BST cùng một mùa.

Sai lầm 4: Thiết kế phóng tay mà không suy tính cách hiện thực hoá thành phẩm

Học thiết kế thời trang, ta được khuyến khích thoả sức sáng tạo. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, bạn vẫn cần phải thực tế, biết khả năng mạnh yếu của mình để thiết kế xong có thể tự ra rập, cắt may được chứ không phải chỉ đẹp trên bản vẽ.

Thiết kế trên giấy của bạn phải có khả năng thực hiện bởi chính bạn, chứ không phải một thiết kế mà bạn chỉ có thể đi thuê may. Tại sao? Bởi trong quá trình học thiết kế, bạn sẽ được yêu cầu tự ra rập và làm mẫu mộc, sẽ có những thời điểm bạn không thể trốn tránh việc đó bởi nó là môn học. Để làm ra một thiết kế bạn có khả năng may được, bạn cần hiểu rõ ưu và nhược điểm của mình trong may mặc. Cá nhân mình, mình chưa ra rập được những kiểu dáng cầu kì hay các kĩ thuật xử lý chất liệu nên mình thường nhấn vào kích cỡ để vẫn tạo được ấn tượng về thị giác. Thiết kế của mình tưởng chừng phức tạp vì nó ngốn vải, nhưng bóc tách các chi tiết thì cũng không quá phức tạp. Còn ví dụ bạn mình chỉ thích những phom dáng tối giản thì sẽ nhấn vào textile & texture – xử lí bề mặt vải, các hiệu ứng nổi.

Hãy thiết kế ra một bộ đồ bạn biết được mình sẽ làm gì với nó.

Quá trình thử nghiệm phom dáng của Ngọc Vy. Nhà thiết kế trẻ nhấn mạnh đừng chỉ sáng tạo mà không thể hiện thực hóa sản phẩm. (Ảnh: The Fashion Alley)

Sai lầm 5: Thu mình, không thử sức với những cái mới

Bạn đã bao giờ cảm thấy ngại thay đổi và lo lắng khi tiếp xúc với những hướng đi mới, lối tư duy mới trong thiết kế chưa? Vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân chưa bao giờ dễ dàng, cũng giống như việc bạn thay đổi một thói quen.

Khi dám bước ra khỏi vùng an toàn, Ngọc Vy thấy mình nhận thêm được rất nhiều giá trị.

Trong ngành thời trang, làm mới mình là một trong những quy luật tất yếu để có thể duy trì sức sáng tạo qua năm tháng. Nếu bạn chỉ mãi một màu đơn sắc, người ta sẽ dần lãng quên bởi sự phát triển không ngừng của các sản phẩm sáng tạo khác. Thời gian đầu, có những thứ mình cần điều chỉnh bản thân khi tiếp nhận cái mới, mọi thứ từng rất khó khăn và khiến mình suy nghĩ rất nhiều. Nhưng cách duy nhất mình làm là hạ cái tôi xuống và tập mở mang tâm trí, nhìn nó một cách đa chiều hơn, tiếp thu quan điểm của người khác và kết hợp nó với lăng kính của mình.

Cuối cùng, có lẽ mình nhận được nhiều hơn là mất, mình đã thực sự hứng thú với nó và thậm chí nó còn trở thành một phần thế mạnh của mình. Mình nhận ra lối tư duy cũ của mình cũng có những khuyết điểm. Chúng ta còn trẻ mà, cần trải nghiệm chứ, phải không?

LCDF

Đọc thêm bài viết cùng chủ đề #LCDFFashion.

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon

Có thể bạn cũng thích

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!