Yêu Bản Thân
5 điều bạn cần biết về quản lý tài chính cá nhân ngay khi còn đi học
Bạn đã biết những bước cơ bản nhất để làm chủ tài chính cá nhân?
Chắc hẳn, hầu hết chúng ta đều muốn đạt được sự tự do tài chính, tuy nhiên không phải ai cũng có kế hoạch rõ ràng để đạt được điều này. Bài viết sau đây giúp chia sẻ 5 điều bạn cần biết về quản lý tài chính cá nhân từ khi còn đang đi học!
1. Có tư duy đúng về tiền và cách quản lý tiền
Rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là ở Việt Nam được lớn lên trong môi trường ít tiếp xúc với kiến thức về tài chính cá nhân, do đó chưa có tư duy thực sự đúng đắn về tiền và quản lý tiền. Một số tư duy chưa thực sự đúng đắn có thể kể đến như:
- Còn trẻ thì nên tiêu xài, tận hưởng cuộc sống, chuyện tiền bạc sau này tính sau.
- Những hoạt động như lập kế hoạch tài chính, tham gia đầu tư,… chỉ dành cho các “chuyên gia tài chính” chứ không dành cho người trẻ như mình.
Những tư duy như ví dụ trên có thể giúp chúng ta “sống sót” trong giai đoạn còn trẻ và nhiều cơ hội việc làm, tuy nhiên ở độ tuổi càng lớn sau này sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn. Vì vậy, bạn trẻ hãy bắt đầu cách tìm hiểu về tài chính cá nhân để có những nhận thức đúng đắn cũng như có kế hoạch tài chính rõ ràng cho bản thân. Finhay sẽ giúp chỉ ra một số nội dung quan trọng ở các phần tiếp theo dưới đây.
2. Lập kế hoạch tài chính dài hạn càng sớm càng tốt
Mỗi chúng ta chắc hẳn có những mong muốn, mục tiêu tài chính khác nhau ở từng thời điểm trong cuộc đời. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trung bình, người có kế hoạch tài chính nắm giữ tài sản nhiều hơn 60% so với người không có kế hoạch. Do đó, việc có kế hoạch chi tiết, rõ ràng càng sớm sẽ càng giúp tăng khả năng đạt được các mục tiêu của bản thân.
Sau đây là các bước cơ bản để lập kế hoạch tài chính cá nhân:
Bước 1: Đánh giá tình hình tài chính hiện tại
Trước hết cần lập danh sách các tài sản mình đang có cũng như các khoản nợ phải trả. Đồng thời, xem xét về dòng tiền thu vào và thói quen chi tiêu hàng tháng của bản thân.
Từ các thông tin này, chúng ta có thể dễ dàng đánh giá được sức khỏe tài chính của mình, khả năng chi trả cho các khoản nợ cũng như dòng tiền có tiềm năng thu về định kỳ.
Bước 2: Xây dựng mục tiêu tài chính cho bản thân
Trong tất cả các kế hoạch, mục tiêu luôn là kim chỉ nam giúp chúng ta đi đúng hướng và đi nhanh hơn. Mục tiêu tài chính nên được xác định cho ngắn hạn, trung hạn và dài hạn theo phương pháp SMART (cụ thể, có thể đo lường được, có thể đạt được, phù hợp và có thời gian xác định).
Bước 3: Xây dựng và thực hiện các chiến lược để đạt được mục tiêu
Sau khi đã có mục tiêu, bước tiếp theo là chúng ta cần tìm ra các phương án hiệu quả nhất cho bản thân. Thông thường sẽ có ba hướng tiếp cận là: Tối ưu hóa chi tiêu, tối đa hóa thu nhập và tìm hiểu về đầu tư.
Với hướng tiếp cận thứ nhất, chúng ta cần phải xem xét cắt giảm hoặc loại bỏ các khoản chi không quá cần thiết của bản thân như mua sắm quá mức, xài thẻ tín dụng,… Điều này giúp hình thành thói quen sống lành mạnh cũng như giảm thiếu đáng kể khoản tiền lãng phí hàng tháng.
Với hướng tiếp cận thứ hai là nhìn nhận ở góc độ thu nhập. Làm thế nào để tăng thu nhập cho công việc hiện tại? Liệu rằng có thể làm thêm công việc khác để đa dạng hóa nguồn thu hay không? Đây là những câu hỏi hữu ích giúp bạn tìm ra giải pháp tăng thu nhập cho mình.
Hướng tiếp cận cuối cùng đó là đầu tư. Đây là công cụ hữu hiệu giúp tận dụng sức mạnh của lãi kép để gia tăng tài sản. Hãy bắt tay tìm hiểu và học hỏi các kênh đầu tư càng sớm càng tốt bạn nhé. Một số kênh đầu tư tham khảo: Trái phiếu, chứng chỉ quỹ, cổ phiếu, vàng,…
3. Công thức “6 cái lọ” giúp quản lý tài chính
Một trong những điều khó nhất khi quản lý tài chính đó là phân chia tiền của mình như thế nào là hợp lý. Vậy nếu còn băn khoăn về điều này, hãy thử áp dụng công thức “6 cái lọ” giúp quản lý tài chính nhé.
- Lọ số 1: Dành cho các khoản chi tiêu thiết yếu (55%): Đây là khoản tiền chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của mỗi người như: ăn uống, tiền nhà, tiền sinh hoạt,… Mức chi tiêu này không quá 80%.
- Lọ số 2: Tiết kiệm cho các mục tiêu dài hạn (10%): Số tiền này để chi tiêu cho các mục tiêu dài hạn trong kế hoạch tài chính như mua nhà, mua xe,….
- Lọ số 3: Quỹ dành cho giáo dục (10%): Sự học là suốt đời, vì vậy chúng ta nên dành ít nhất 10% thu nhập để tham gia vào các hoạt động mang tính giáo dục cao như tham gia các khóa học, đào tạo, các sự kiện kết nối,…
- Lọ số 4: Quỹ dành cho các hoạt động vui chơi giải trí (10%): Hãy dành khoảng 10% thu nhập cho các hoạt động hưởng thụ, trải nghiệm, … để giúp sạc lại năng lượng cũng như có nhiều động lực cố gắng hơn nhé!
- Lọ số 5: Quỹ dành cho mục tiêu tự do tài chính (10%): Để sớm đạt được mục tiêu tự do tài chính thì chắc hẳn cần trích riêng một khoản tiền đều đặn hàng tháng. Khoản tiền này càng lớn thì sẽ giúp đạt được mục tiêu càng sớm. Do đó, hãy trích ít nhất 10% mức thu nhập hàng tháng cho quỹ FRA nhé.
- Lọ số 6: Quỹ từ thiện (5%): Quỹ từ thiện tuy không phải là điều bắt buộc, nhưng chắc hẳn nếu có sẽ giúp cuộc sống chúng ta trở nên ý nghĩa hơn. Hãy dành số tiền này cho các hoạt động từ thiện, giúp đỡ bạn bè, người thân,…để lan tỏa nhiều điều tích cực hơn cho bản thân và xã hội.
4. Sức mạnh của lãi kép
Lãi kép hiểu đơn giản là việc tái đầu tư số lãi bạn nhận được. Có hai yếu tố quan trọng liên quan đến lãi kép đó là thời gian và lãi suất. Nếu tận dụng được cả hai yếu tố này, số tài sản của chúng ta sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
5. Sức mạnh của thời gian trong hoạt động đầu tư
Ở phần sức mạnh của lãi kép, chúng ta đã thấy thời gian là một trong hai biến quan trọng tạo nên giá trị của lãi kép và giúp tăng tài sản gấp nhiều lần. Với cùng một khoản tiền và mức lãi suất, khoản tiền gửi sớm hơn sẽ giúp tạo ra nhiều giá trị hơn. Vì vậy, khi còn trẻ với nguồn thu nhập hạn hẹp, hãy tập thói quen trích một phần nhỏ đều đặn hàng tháng để dành vào tài khoản tiết kiệm. Qua thời gian, bạn sẽ thấy sự tăng lên một cách đáng kinh ngạc của khoản tiền này đấy!
Có thể thấy, việc quản lý tài chính cá nhân không hề phức tạp, tuy nhiên đòi hỏi một tư duy đúng cũng như có kế hoạch rõ ràng và kỷ luật với bản thân. Hãy bắt tay vào thực hành tìm hiểu và lập kế hoạch cho chính bản thân mình để sớm đạt được mục tiêu tự do tài chính bạn nhé!
Đọc thêm những bài viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân tại đây.
Có thể bạn cũng thích