Home / Cộng Đồng / 3 vấn đề lớn nhất của ngành công nghiệp thời trang
fast fashion
Icon Icon Icon

Dự Án Cộng Đồng

3 vấn đề lớn nhất của ngành công nghiệp thời trang

Châu mong mọi người sẽ trở thành người tiêu dùng bền vững hơn sau khi đọc bài viết này.

09/07/2021

Trong bài viết hôm nay, Châu xin chia sẻ những thông tin đáng báo động về thực trạng của ngành thời trang qua tìm hiểu của trang Fashionopolis – một câu lạc bộ thời trang & người mẫu do các bạn học sinh cấp ba tại Thành phố Hồ Chí Minh thành lập.

Ngành thời trang từ một cuộc giao dịch thương mại 500 tỷ đô la, chủ yếu được sản xuất trong nước đến một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 2,4 nghìn tỷ đô la trong 30 năm trở lại đây.

Vậy thì tại sao với bước phát triển khổng lồ ấy, thời trang vẫn bị chỉ trích? Hãy đến với nạn nhân thứ nhất của thời trang: nhân quyền ở những nước đang phát triển và kém phát triển.

fast fashion
Ảnh: Earth Images

Để giữ giá sản phẩm thấp cũng như nhu cầu lao động cao, nhiều thương hiệu thời trang đã cắt giảm chi phí sản xuất — và tất nhiên, nhân công rẻ nhất đã có ở các nước nghèo nhất thế giới. Đây còn gọi là phương pháp Offshoring- hình thức một công ty sử dụng các nguồn lực từ nước khác vào việc sản xuất-kinh doanh của mình, không phụ thuộc vào việc các nguồn lực đó có thuộc về cơ cấu tổ chức của công ty đó hay không.

Thứ hai, thời trang còn gây ra tình trạng mất việc trầm trọng của công nhân làm trong ngành thời trang ở những nước phát triển.

Ảnh: Getty Images

Từ 56,2% xuống còn 2,5%. Đó là phần trăm số quần áo được sản xuất nội địa tại Mỹ, vào năm 1991 và năm 2012. Dựa theo Cục Thống kê Lao động, chỉ trong ba thập kỷ (từ năm 1990 đến năm 2012),  ngành dệt may Hoa Kỳ đã mất 1,2 triệu việc làm. Hơn ba phần bốn lực lượng lao động tại đây đã chuyển sang Mỹ Latinh và Châu Á.

Ở phía Đông Seaboard và khắp miền nam Hoa Kỳ, các trung tâm công nghiệp sôi động một thời đã biến thành những thị trấn ma bởi vì nhà máy chẳng còn lại ai, các công nhân thì bị sa thải và liên tục thất nghiệp.

Đối với vương quốc Anh trong những năm 1980, có đến một triệu người làm việc trong ngành dệt may. Vậy còn bây giờ? Chỉ còn lại một trăm nghìn người làm. Điều tương tự cũng diễn ra khắp vùng Tây Âu, mặc dù số công nhân trong ngành dệt may toàn cầu tăng gần gấp đôi, từ 34,2 triệu lên 57,8 triệu. Năm 2017, nước Anh nhập khẩu đến 92,4% quần áo của mình. 

Cuối cùng, nạn nhân thứ ba của thời trang mà mọi người thường hay nhắc đến không gì khác ngoài trái đất, môi trường của chúng ta. 

fast fashion
Ảnh: She Magazine USA

Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thời trang đã tàn phá môi trường theo rất nhiều cách. Bạn có biết rằng 1 kilogram quần áo sẽ tương đương với 23 kilograms khí nhà kính và ngành thời trang tiêu thụ một phần bốn chất hóa học toàn cầu?

Một chiếc áo thun cotton cần một phần ba pound phân bón pha chế trong phòng thí nghiệm và 25,3 kilowatt điện. Hơn thế nữa, dựa theo WWF, cần đến 2,700 lít nước để trồng cotton. Không dừng lại ở đó, chiếc áo thun tưởng chừng như vô hại kia lại gây ô nhiễm nguồn nước: Các loại vải nhân tạo thải microfibers (loại vải sợi tổng hợp có cấu trúc siêu nhỏ) vào nguồn nước lân cận. Khoảng 40% microfibers không phân hủy được thì hòa vào các con sông, hồ và đại dương, sau đó, chúng nằm trong bụng của những chú cá và sinh vật biển. Tiếp theo, các loại vải sợi tổng hợp siêu nhỏ này sẽ chui ngược vào bụng của những người tiêu thụ hải sản. Vào năm 2016, gần như 90% trên tổng số 2000 hải sản được cho là tươi, sạch đều chứa microfibers. Đến năm 2017, Greenpeace tìm thấy microfibers tại nguồn nước ở vùng Nam cực.

Trong 100 tỉ quần áo được sản xuất mỗi năm, 20% trong số chúng không bán được. Trong hơn 20 năm qua, số lượng quần áo bị vứt đi của người Mỹ đã tăng gấp đôi – từ 7 triệu lên 14 triệu tấn. Điều đó có nghĩa là trung bình một người thì vứt đi tận 80 pounds quần áo mỗi năm. Còn Liên Minh Châu Âu? Họ thải bỏ 5,8 triệu tấn hàng dệt may mỗi năm. Tại Anh, hơn 9000 phụ kiện bị vứt đi trong mỗi năm phút. Và trên toàn thế giới, chúng ta vứt đi 2,1 tỉ tấn quần áo. Phần lớn quần áo được đưa tới Châu Phi, vậy thì phần còn lại? Câu trả lời là chúng được chất thành đống tại những bãi phế liệu.

Hi vọng bài viết này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về những hậu quả của sự sản xuất và sử dụng thời trang quá độ, để có thể trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm hơn trong tương lai.

Để đọc thêm những bài viết về thời trang nhanh và cả thời trang bền vững, mọi người có thể xem chuỗi bài viết về chủ đề này trên trang Fashionopolis nhé!

(Thông tin được tham khảo từ Thomas, Dana. Fashionopolis (p. 39). Head of Zeus. Kindle Edition.)

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon
... ...

Có thể bạn cũng thích

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!