Có Gì Hot?
14 Casper – Bon Nghiêm: Âm nhạc bước ra từ những điều bình dị đẹp đẽ của cuộc sống
Khi âm nhạc là liều thuốc chữa lành
“Bao nhiêu tiền một mớ bình yên?” có lẽ là một câu hỏi chúng ta vẫn đặt ra cho nhau trong những ngày bề bộn của cuộc sống hiện đại. Hay đây cũng chính là bài hát đã đưa 14 Casper và Bon Nghiêm đến gần hơn với khán giả – những nghệ sĩ trẻ dùng âm nhạc để đi kể câu chuyện của những người trẻ.
Được công chúng biết đến từ 2021, nhưng mãi đến 2023 14 Casper và Bon Nghiêm mới chính thức ra mắt album đầu tiên “Số Không”. Nói về lý do đặt cho album mình một cái tên là “Số Không” bộ đôi chia sẻ đây là con số đại diện cho sự “bình yên” của mỗi con người, và cũng là điểm “cân bằng” mà ai cũng khao khát trong cuộc đời. Đây cũng là con số tri ân của 14 Casper và Bon Nghiêm đối với cột mốc phát hành album đầu tiên trên chặng đường âm nhạc bắt đầu từ con số 0 của mình. Trò chuyện với 14 Casper và Bon Nghiêm, Chaubuinet cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực từ những chia sẻ rất đỗi chân thành của những người nghệ sĩ.
Hãy cùng Chaubuinet bước vào một hành trình bình yên mà ai cũng đang kiếm tìm thông qua cuộc trò chuyện đặc biệt này nhé!
Xin chào 14 Casper và Bon Nghiêm. Cảm ơn hai bạn đã dành thời gian trò chuyện cùng Chaubuinet ngày hôm nay. Câu hỏi đầu tiên mình muốn dành cho Bon Nghiêm trước. Mình được biết nghệ danh “Bon Nghiêm” vốn bắt nguồn từ tên của một nhân vật thích “ẩn mình”. Bon Nghiêm cũng từng chia sẻ rằng mình không thoải mái trước “spotlight”. Giờ thì sao, khi Bon đã được nhiều người biết đến rồi bạn còn thấy sợ nữa không?
Bon Nghiêm: Thời gian đầu khi mới hoạt động nghệ thuật, mình cũng khá sợ việc trở nên nổi tiếng đó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của mình và những người xung quanh. Bởi vậy mình chọn một công việc có thể ở gần với khán giả, để có thể chia sẻ với họ những cảm xúc đời thường một cách bình thường nhất, đó là hát ở phòng trà, trong những không gian nhỏ, gần gũi thôi thay vì bước vào một thế giới mới, mà người ta vẫn hay gọi là chốn showbiz xô bồ đó. Cho đến khi mình gặp 14 Casper. Với mình việc hợp tác chung với 14 Casper trong việc sản xuất và phát hành rộng rãi một tác phẩm là một bước nhảy của lòng dũng cảm. Mình đã bước khỏi ra sự sợ hãi của chính mình. Sau khi bước ra khỏi vùng an toàn đó thì mình nhận ra thế giới bên ngoài cũng không đáng sợ như mình nghĩ, thực tế thì mình đã nhận được rất nhiều điều tuyệt vời sau đó.
Vậy còn 14 Casper thì sao? Trước đấy 14 Casper đã tốt nghiệp Ngoại thương đúng không?
14 Casper: Ngày xưa mình học quản trị kinh doanh quốc tế của trường Đại học Ngoại Thương. Mình đã tốt nghiệp, đã lấy bằng cử nhân mà vẫn chưa làm gì với tấm bằng cả (cười)
Điều mà anh Bon vừa nói đây cũng có thể coi là tiếng nói chung cho cả hai. Vì sao chúng mình lại có thể đồng hành cùng nhau lâu như vậy, là bởi chúng mình có những điểm chung. Một trong những điểm chung đó là đều từng sợ “spotlight”. Trước đây mình chỉ đơn giản là đam mê nghệ thuật. Khi tiếng nhạc được mở lên mình cảm thấy trong mình có một sự kết nối. Mình đã bén duyên với nghệ thuật bằng công việc là một K-Pop dancer. Dù cũng thích đấy nhưng mình vẫn có cảm giác là nó không dành cho mình nên dừng lại. Nhưng mình cũng có suy nghĩ từ rất sớm là mình thích nghệ thuật như vậy thì có cách nào để mình làm nó hay không?
Từ ngày gặp anh Bon chúng mình có rất nhiều bước ngoặt với nhau. Bước ngoặt đầu tiên là được chú ý, bước ngoặt thứ hai là có một bài hát tạm gọi là hit, bước ngoặt thứ 3 là mình cảm thấy con người mình có nhiều thay đổi, mình đã dần hiểu mình là ai hơn. Như Bon Nghiêm, dù sau khi bài hát Bao tiền một mớ bình yên được ra mắt và thu hút 10 triệu view, Bon vẫn có tư tưởng là không ra mặt đâu, dù là ca sĩ thì vẫn giữ quan điểm muốn là người phía sau hậu trường thôi. Mình trước đó cũng vậy, vì đặc thù công việc là làm sản xuất mà. Mình chỉ muốn ở trong cánh gà, trong phòng thu để làm bài. Giống như một người làm trong một công xưởng, sản xuất nhạc và đem bán khắp nơi. Nhưng ngày đó mình còn quá trẻ, rất khó để tiếp cận được những ca sĩ ở tầm cao. Nên mình quyết định dành những sáng tác cho những ca sĩ trẻ, cho những nhân tố tiềm năng có hoài bão giống mình để có thể cùng nhau đi lên. Và mình tìm được anh Bon. “Chẳng may” sự kết hợp giữa hai anh em lại thành công ngoài sức mong đợi nên mới đi được đến bây giờ, chứ không khéo cũng bỏ lâu rồi (Cười). Không chỉ anh Bon chấp nhận bước lên sân khấu, trở thành một nghệ sĩ biểu diễn thực thụ mà chính mình cũng không còn gò bó bản thân chỉ ở trong phòng thu nữa. Mình cũng lên sân khấu cũng cầm mic, cũng hò hét với các bạn khán giả, gặp gỡ mọi người. Nói chung là từ lúc hai anh em gặp nhau mình thấy có rất nhiều sự thay đổi tích cực, cả trong âm nhạc và con người.
Từ Bao nhiêu tiền một mớ bình yên đến album là Số Không, hai bạn đã tạo một hiệu ứng khá tốt với cộng đồng nghe nhạc, đặc biệt là vì những lời ca rất đỗi đời thường, gần gũi với những suy tư của nhiều bạn trẻ ngày nay. 14 Casper có thể chia sẻ thêm về nguồn cảm hứng sau album này không?
14 Casper: Chất liệu sáng tác của mình đến từ những chuyện đời thường. Đơn giản là mình cũng chỉ là một người bình thường, sống giữa một xã hội bình thường, muốn tô điểm thêm những câu chuyện bình thường để mọi người thấy rằng mọi thứ trong cuộc sống đều rất giá trị và muôn màu muôn vẻ. Mình có thể đi qua một lượt 9 bài hát trong album gắn với 9 câu chuyện khác nhau.
Bài đầu tiên là câu chuyện về một nhạc sĩ có một người vợ đã quá cố. Mình nghĩ trong ai cũng có một nỗi sợ, nỗi sợ một ngày nào đó sẽ mất đi người thương yêu, sợ nỗi cô đơn khi một mình nuôi nấng đứa con của cả hai. Nên khi tình cờ mình biết đến câu chuyện này, mình đã viết nên bài “Nói em không tin”. Bài hát mang đến cảm giác một Hà Nội hoài cổ, cũng là tính cách con người mình. Bài hát thứ hai là “Nửa đêm về nhà”. Đây là câu chuyện của chính Bon Nghiêm. Bài thứ ba là bài “Một đời” – là bài hát Bon Nghiêm viết tặng đám cưới cho một người anh. Sau đó bài hát cũng rơi vào lãng quên trong một thời gian, nên mình đã mang ra làm lại. “Không nói ai mà biết” là một câu chuyện mình chợt nghĩ ra, một “tình huống” rất đỗi quen thuộc của các cặp đôi. Mình nghĩ nó khá gần gũi và hài hước nên đã viết ra. “Bình minh rơi đằng Tây” là bài thứ năm trong album, mình viết cho một người bạn đang đứng trước rất nhiều ngã rẽ của cuộc đời. Tương lai trước mặt thì nhiều cơ hội nhưng bạn vẫn đang hối hận với những việc đã xảy ra trong quá khứ. Nói chung là một vị trí rất lạc lõng, bơ vơ và cô đơn.
“Viết cho ngày mưa đông’ cũng là câu chuyện mình được truyền cảm hứng bởi một bộ phim. Xem phim xong thấy hay quá mình chuyển thể nó thành nhạc. Bài số 7,8 là hai phiên bản khác nhau của “Lò vi sóng”. Câu chuyện đằng sau bài hát này là câu chuyện của nhiều gia đình. Bài cuối cùng là bài mọi người đã biết từ trước. Mình viết “Bao tiền một mớ bình yên” để an ủi những người bạn xung quanh của mình và rất là may mắn bởi vì nó không chỉ an ủi cho những người bạn của mình mà còn rất nhiều bạn trẻ khác ngoài kia. Nhìn chung thì album Số Không là những câu chuyện rất đời thường, chuyện của mình, và những người xung quanh mình.
Hai bạn đã mất bao lâu để hoàn thiện album Số Không. Album Số Không tuy mới nhưng có cả những sáng tác cũ?
14 Casper: Mình tin rằng không nghệ sĩ nào lại muốn mang đến những điều tiêu cực đến với khán giả. Chúng mình cũng vậy! Chúng mình muốn mình có thể cố gắng hết trong khả năng, để trau chuốt, để mang đến album tốt nhất đến cho khán giả. Thời gian chúng mình hoàn thiện album là một năm ba tháng. Có những bài đúng là mình đã làm từ rất lâu rồi. Như bài Một đời chẳng hạn. Nhưng mình thấy phù hợp với album nên đã mang ra làm lại. Ngoại trừ bài một bài tám trong album thì tất cả đều là được sáng tác mới trong một năm ba tháng này.
Trong khoảng thời gian đó rất nhiều thứ đã diễn ra, có cả những thử thách. Đến sát ngày ra mắt, số bài trong album mới được chốt là 9 bài. Mình thậm chí đã khởi nghiệp thành lập công ty, và nó đã phá sản (cười). Chúng mình cũng đã lần đầu tiên tổ chức live show, tuy không quá thành công về mặt thương mại, nhưng chúng mình đã tự học hỏi được rất nhiều điều, học cách làm thế nào để đem được cho khán giả những giá trị, trải nghiệm tốt nhất.
Đâu là thời điểm mà hai bạn thấy mình đã sẵn sàng cho một album hoàn chỉnh?
14 Casper: Về thời điểm chúng mình quyết định ra album mình nghĩ cũng là vì lý do tất yếu thôi. Trước khi có một album hoàn chỉnh chúng mình có hai bài hát tạm gọi là nổi tiếng (cười). Nhưng bình thường khi mà nghệ sĩ đi diễn thì nên là hát tầm 3,4 bài. Mà mình giờ có 2 bài thôi thì rất là khó. Nên mục đích ban đầu của mong muốn có một album là có đủ bài để đi diễn, đơn giản vậy thôi (cười) Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng mình làm việc hời hợt. Khi làm cái gì càng khó, càng to lớn thì trách nhiệm mà mình mang theo cũng càng nhiều. Chúng mình đã rất nghiêm túc để trau chuốt album này.
Cùng làm album, hẳn hai bạn cũng có những lúc cãi vã, bất đồng quan điểm?
14 Casper: Tất nhiên rồi đây là điều rất khó tránh khỏi. Chúng mình cãi nhau nhiều nhất có lẽ là lúc thu âm. Là một nhà sản xuất thì mình thường sẽ rất kỹ tính, còn anh Bon thì có nhiều lúc sẽ bay, hoặc chưa hiểu được cách mình muốn xử lí bài hát đó. Nhưng mình nghĩ đó chỉ là những cái nho nhỏ thôi, mình và anh Bon rất biết cách làm việc với nhau. Biết khi nào nên đẩy khi nào nến kéo, lúc nào nên cứng lúc nào nên mềm. Nghệ sĩ thì ai cũng có cái tôi của mình nên mấu chốt việc xử lý những tranh cãi nằm ở việc mình trao đổi trên tình thần tôn trọng nhau. Vậy nên giữa chúng mình chưa có mâu thuẫn nào là căng thẳng quá hay không xử lý được cả.
14 Casper và Bon Nghiêm đang xây dựng mối quan hệ như là một cặp bài trùng trong giới âm nhạc. Nếu phải miêu tả mối quan hệ giữa ca sĩ và nhạc sĩ, các bạn sẽ miêu tả như thế nào?
Bon Nghiêm: Mình vẫn hay đùa là mối quan hệ này đặc biệt như một cặp yêu đương vậy đó (cười). Có nghĩa là chúng mình luôn cần lắng nghe và tôn trọng nhau. Cũng giống như trong tình yêu, việc đầu tiên và rất quan trọng là đôi bên có thể giao tiếp được với nhau.
14 Casper: Đối với mối quan hệ này, chúng mình không chỉ muốn nó hoàn toàn là về công việc, chỉ là đồng nghiệp với nhau mà còn mong có thể trở thành những người bạn tốt của nhau. Ai cũng có thể nói ra suy nghĩ của cá nhân mình và đóng góp vào cho tập thể.
Bon Nghiêm: Bản thân mình cũng là người đã có 8,9 năm gắn bó với việc ca hát, đã học qua cả trường chính quy đến những khóa học ngắn hạn nhưng mình vẫn nhớ là ngày gặp 14 Casper, 14 Casper đưa cho mình một bản thu và chúng mình mất đến ba tiếng chỉ để thu một câu, thu hàng chục lần cho đến khi bạn cảm thấy là nó đúng với những mong muốn kỳ vọng của bạn. Mình nghĩ rằng hẳn sẽ có người cảm thấy hơi bực mình khi phải làm đi làm lại một thứ nhưng mình thì thấy ngược lại. Vì đây chính là điều hướng đến sự hoàn thiện trong tác phẩm. Việc ca sĩ là mình cố gắng thể hiện là một sự tôn trọng tác giả, tôn trọng người đồng nghiệp của mình. Một câu thu trong ba tiếng hay bốn tiếng cũng được miễn rằng mình biết mục tiêu chung của cả hai anh em là hướng đến một sản phẩm tốt nhất cho khán giả. Khi làm việc chung, mình cần đặt ra mục tiêu chung chứ không phải là tranh cãi ý kiến ai quan trọng hơn.
Bon Nghiêm có khi nào tác động đến quá trình sáng tác của 14 Casper không?
Bon Nghiêm: Thực tế là có đó. Mình có một góc nhìn là một người đến từ đường phố, mình làm nhạc và chơi nhạc cùng khán giả vì vậy nhiều khi sẽ có góc nhìn rất sát với người nghe. Mình biết là với bài hát này thì đâu sẽ là điểm nhấn, đâu là giai điệu, lời ca khi vang lên khán giả sẽ hát cùng mình. Trong quá trình sản xuất mình thường sẽ rất tôn trọng ý tưởng của 14 Casper, nhưng cũng sẽ có khi mình có đưa ra góc nhìn để hai anh em có thể chỉnh trang lại bài một chút cho đến gần với khán giả hơn. 14 Casper là một người có năng lực sáng tạo. 14 Casper có thể ngồi một chỗ tưởng tượng và vẽ ra bức tranh lớn. Còn mình trong quá trình thu âm có thể sẽ có thêm những nét chấm phá, tô thêm một số đường nét vào các góc của bức tranh mà 14 Casper đã vẽ trước đó.
Chuyên môn của mình là đứng trên sân khấu, thể hiện những bài hát đó với khán giả. Cũng có những khi mình chia sẻ với 14 Casper một số kỹ năng biểu diễn, làm thế nào hai anh em tung hứng nói chuyện với nhau, hay lên sân khấu với một tinh thần thoải mái, không áp lực quá. Mình nghĩ trong quá trình làm việc chung, mỗi người sẽ cần biết là mình có cái gì, người kia có cái gì để trang bị, bổ sung cho nhau, để đồng hành cùng nhau hướng đến một kết quả chung.
Trong âm nhạc 14 Casper và Bon Nghiêm cảm thấy là mình làm thiên về kiểu lý trí hay là cảm xúc?
Bon Nghiêm: Mình nghĩ là mình là người thiên về cảm xúc còn 14 Casper thì lý trí hơn nhiều hơn. Thú thực là có những hôm mình không ở trong trạng thái tốt nhất, sự mệt mỏi, cảm xúc chi phối quá trình thu âm của mình.
14 Casper: Mình là một người làm nhạc kỷ luật, cả trong quá trình sáng tác lẫn thu âm ca sĩ. Có thể mỗi người sẽ có phong thái làm việc khác nhau, bản thân mình xây dựng cơ chế mà mình thấy tốt cho mình, đấy là sự tỉnh táo trong lúc làm việc. Công việc sáng tác và thu âm rất khác nhau. Quá trình thu âm diễn ra khi mình muốn truyền tải một điều gì đó đến người nghe, và cần rất nhiều cảm xúc trong đó để người nghe có thể đồng cảm với câu chuyện. Không chỉ Bon Nghiêm đâu mà còn rất nhiều nghệ sĩ trong nền âm nhạc cũng thiên nhiều về cảm xúc. Đôi khi cái kỷ luật của mình tạo ra sự hà khắc cho anh Bon nhưng mình nghĩ đây là sự bù trừ lẫn nhau giữa hai anh em, để tạo ra được sự trung hòa tốt nhất.
Chắc chắn rằng trong quá trình hai bạn sáng tác, đã có những giai đoạn mình rơi vào trạng thái “mất nguồn cảm hứng, sáng tạo”? Hai bạn có cách nào để đối mặt, vượt qua những trang giấy trắng, hay những lúc “không biết phải làm gì tiếp” ?
Bon Nghiêm: Đấy cũng là câu hỏi mà đến bây giờ mình vẫn phải đi tìm. Mình nghĩ là người nghệ sĩ nào cũng như vậy thôi, khi mình sử dụng quá nhiều năng lượng và sự tích cực của mình vào trong nghệ thuật thì sẽ đến lúc mình cảm giác bị kiệt sức. Mỗi người sẽ có cách để tìm lại nguồn năng lượng riêng. Với Bon thì cách nhanh nhất là rủ 14 Casper đi cafe một bữa. Hai anh em sẽ nói những điều khiến cho bản thân mình chưa được thoải mái, hay gặp khó khăn ở đâu. Mình nghĩ rằng việc có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình với một người mình tin tưởng là việc đặc biệt cần thiết. Nghe bạn khuyên chưa chắc mình đã nghe đã làm theo đâu, nhưng cái chính nằm ở việc được chia sẻ được nói ra. Mình tin là những khoảnh khắc mình biết có người sẵn sàng lắng nghe mình, sẵn sàng vì mình cần mà có mặt sẽ khiến mình nhận ra là mọi thứ không khó khăn đến vậy.
14 Casper: Cũng như anh Bon, đây cũng là một câu hỏi mình vẫn đang loay hoay chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Nói thẳng ra là vì vấn đề lớn nhất của mình hiện tại là mình chưa có những người đồng đội để đồng hành với mình trong mảng sản xuất nhạc. Bạn cứ hình dung thử là trong vòng 24 tiếng một mình bạn làm 9 bài phỏng vấn như bạn đang làm với chúng mình đây, mình nghĩ chắc chắn bạn cũng cảm thấy mệt và nản chứ. Đấy là hoàn cảnh của mình trong một năm qua khi một mình phải làm tất cả mọi thứ trong công đoạn sản xuất cho 9 bài hát trong album số 0. Trong quá trình đó có những khi mình cảm thấy cô đơn. Những khi cảm thấy bế tắc mình chỉ sẽ chờ cho nó trôi qua, có khi mình sẽ cố gắng viết ra một cái gì đấy, cái gì cũng được kể cả nó kỳ cục hay vớ vẩn nhưng nó sẽ giúp mình giải tỏa được phần nào căng thẳng để sau đó trở lại với guồng công việc.
Đối với một sáng tác nói riêng hay một tác phẩm nghệ thuật nói chung, chúng ta không thể kỳ vọng chúng sẽ được tất cả mọi người đón nhận. Hai bạn có hay đọc những bình luận tiêu cực về sản phẩm của mình không? Các bạn có bận tâm nhiều chứ?
14 Casper: Riêng câu này mình xin phép nói thay Bon Nghiêm luôn. Anh Bon là người cực kỳ cứng rắn những lời chỉ trích công kích không có tính xây dựng vì anh ý là một người rất “trải đời” và va chạm trong giới nghệ thuật lâu rồi. Những câu bình luận chỉ là ở trên một màn hình thôi, một dòng chữ trên mạng không thể nào mà tiêu cực bằng những lời nói, tác động trực tiếp được đâu. Bon Nghiêm đã từng có thời gian đi hát dạo ở ngoài đường, những gì Bon từng trải qua vượt ngoài sức tưởng tượng của mọi người lắm.
Bon Nghiêm: Mình không bao giờ ngại chia sẻ chuyện mình từng hát dạo ở ngoài đường. Có một thời gian mình đứng hát trước một cửa hàng trà sữa, để bao đàn ở trước mặt, có hôm được 20.000, có hôm được 50.000. Nhưng thực sự mình đã rất vui bởi đó là những ngày tháng đầu tiên mình lên Hà Nội. Nhiều khi những cái mình nhận lại không chỉ là những lời dè bỉu đâu mà còn cả những tác động vật lý nữa. Mình vẫn nhớ đó là giai đoạn năm 2014-2015, âm nhạc là tất cả những gì mình có lúc đó. Đến bây giờ vẫn vậy, chỉ là âm nhạc đã lớn lên cùng mình, đã mang đến cho mình nhiều thứ hơn và là kết quả của một quá trình nỗ lực không ngừng đó. Trải qua nhiều thứ, Bon hiện tại tất nhiên luôn lắng nghe những góp ý từ công chúng, nhưng sẽ không để bị ảnh hưởng bởi những công kích cá nhân.
14 Casper: Mình nghĩ là mỗi nghệ sĩ thì sẽ có một tính cách thôi. Anh Bon là một người rất tự do và rất biết chọn lọc cái gì nên nghe hay không nghe. Mình cảm thấy rất may mắn khi có anh Bon làm bạn, một người rất trái ngược với mình. Gần đây có một người bạn nói với mình là mình thuộc kiểu người muốn làm hài lòng tất cả mọi người, tức là luôn muốn người khác vui nên nếu có ai vướng bận về mình ở điểm gì thì mình cũng rất hay suy nghĩ. Có thể là mình sẽ không nói ra đâu, nhưng mình thật sự bận tâm rất nhiều. Những lúc như thế thường là anh quản lý và anh Bon sẽ là người giữ mình lại. Mình vẫn đang học cách để vượt qua và chấp nhận chuyện mình không thể làm vừa lòng bất kỳ ai.
Sắp tới hai bạn có dự án gì muốn chia sẻ với độc giả của Chaubuinet không?
14 Casper: Thời gian tới chúng mình cùng ekip sẽ tiếp tục quảng bá cho album Số Không bằng nhiều hoạt động khác. Bật mí một chút là chúng mình cũng đang ấp ủ, sản xuất cho những dự án lớn sắp tới để dành tặng khán giả.
Có thể bạn cũng thích