Điểm Tin Thời Trang
101 công việc cho người học thiết kế thời trang
Cùng Châu Bùi và LCDF tìm hiểu về định hướng nghề nghiệp trong ngành thời trang.
Bắt đầu từ tuần này, Châu hợp tác cùng London College for Design & Fashion – Hanoi (Học viện Thiết kế và Thời trang London tại Hà Nội LCDF) để phát triển những nội dung về tư vấn hướng nghiệp cho các bạn trẻ quan tâm đến thời trang. Với chuyên môn của LCDF, Châu hi vọng mọi người sẽ tìm thấy những kiến thức, thông tin cực kỳ thực tế và hữu ích về ngành thời trang nhé!
Chủ đề của bài viết tuần này là ngành học thiết kế thời trang! Nghe tên ngành học này thì chắc ai cũng nghĩ ngay đến những nhà thiết kế đứng sau các thương hiệu thời trang nổi tiếng đúng không? Tuy nhiên, định hướng nghề nghiệp cho ngành này lại không chỉ bó buộc mỗi một vị trí này đâu. Trước khi bắt đầu vào bài, chúng mình cùng thử tự viết ra danh sách những nghề có trong đầu sau đó so sánh với list mà team Châu Bùi đề xuất để xem độ am tường của bạn đến đâu nhé.
Giờ thì bắt đầu ‘kiểm kê’ nào!
1. NHÓM SÁNG TẠO, THIẾT KẾ
Nhóm nghề này chắc là dễ tưởng tượng nhất cho các bạn đang quan tâm đến thiết kế thời trang. Đây là nhóm nghề của những nhân vật chủ đạo, nắm bắt thiết kế và linh hồn của một hãng thời trang. Những kỹ năng về hình ảnh, thiết kế, cắt may, chất liệu… bạn học được trong ngành thiết kế thời trang sẽ vô cùng hữu ích trong những công việc trong nhóm này.
- Nhà thiết kế thời trang: bao gồm cả trang phục, phụ kiện, giày túi, trang sức…
- Nhà thiết kế rập: người tạo ra “bản vẽ kỹ thuật”, các mảnh ghép trên giấy để khi ốp lên vải, cắt ghép lại sẽ tạo được trang phục như hình vẽ. Đây là công đoạn quan trọng thứ hai chỉ sau phần ý tưởng thiết kế.
- Giám đốc sáng tạo: dẫn dắt kích thích tư duy sáng tạo cho cả ekip thời trang.
- Nhà minh họa thời trang: tái hiện lại các tác phẩm thời trang bằng tranh vẽ.
- Nhà thiết kế đồ họa thời trang: thiết kế quảng cáo, nhận diện thương hiệu, website, đồ họa động, 3D về thời trang.
- Dự báo xu hướng thời trang: nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của văn hóa, xã hội, kỹ thuật… tới lựa chọn thời trang của người tiêu dùng trong tương lai.
- Nhà thiết kế chất liệu: sáng tạo các chất liệu mới dựa trên nhiều phương pháp thủ công, công nghệ…
- Nhà thiết kế họa tiết: tạo ra các hoạt tiết độc lạ, theo xu hướng, phù hợp với chất liệu vải.
Châu Bùi cũng đã từng thử sức với vai trò là NTK khi kết hợp cùng NTK Minh Anh – Cúc Nguyễn (Wephobia) để thực hiện BST Too Cool To Care.
2. NHÓM PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT
Đây là nhóm ngành nghề đòi hỏi kiến thức kỹ thuật cao, bao gồm những vị trí quan trọng trong dây chuyền sản xuất những sản phầm thời trang. Ngoài kỹ năng và kiến thức về thiết kế, bạn sẽ cần có cả đầu óc tổ chức và con mắt cực kỳ chi tiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
- Quản lý kinh doanh thời trang: phụ trách toàn bộ hệ thống kinh doanh, lên kế hoạch về phát triển thương hiệu và tăng doanh số.
- Quản lý sản xuất: theo dõi nhiều công đoạn sau thiết kế như: ra rập, may mẫu, giác sơ đồ, nhảy size, xử lý vải, cắt…)
- Chủ xưởng may gia công, công nhân may: nhận đơn hàng từ bộ phận sản xuất, thiết kế hoặc từ hãng để trực tiếp tổ chức sản xuất sản phẩm
- Kiểm soát chất lượng KCS: kiểm soát chất lượng vải, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm hoàn thiện…
3. NHÓM BÁN HÀNG
Đây là những vị trí sẽ rất cần am hiểu về thiết kế, về bộ sưu tập và cả xu hướng thị trường, thị hiếu, thẩm mỹ của khách hàng để đảm bảo doanh thu cho hãng thời trang.
- Quản lý mua hàng thời trang: quyết định số lượng, mẫu mã, nguồn nhập hàng, mức giá nhập…
- Quản lý bán hàng thời trang, cố vấn bán hàng: tư vấn người mua về các sản phẩm thời trang, đảm bảo doanh số tại các kênh bán lẻ như cửa hàng, website, Instagram…
- Phân phối thời trang: quản lý nhiều thương hiệu, dòng sản phẩm và đưa nó đến các kênh bán lẻ.
4. NHÓM TRUYỀN THÔNG, MARKETING VÀ QUẢN TRỊ THƯƠNG HIỆU
Bộ sưu tập dù đẹp đến đâu cũng phải cần đội ngũ marketing, truyền thông và thương hiệu để truyền tải được ý tưởng đến với người mua, khiến họ yêu mến và muốn mua hàng của thương hiệu thời trang. Đây là những vị trí cần phải hiểu cả về sự sáng tạo và linh hồn của thương hiệu, cũng như có đầu óc nhạy bén về kinh doanh, cạnh tranh trong thị trường để khiến thương hiệu của mình nổi bật.
- Trưng bày thời trang: phụ trách bài trí trong cửa hàng, mặt tiền nhằm kích thích tối đa nhu cầu mua sắm.
- Nhân viên truyền thông: tạo quan hệ với truyền thông, báo chí, phát triển tên tuổi thương hiệu)
- Nhân viên marketing, branding: sáng tạo các hoạt động nhằm tiếp cận tới khách hàng, tăng doanh số, tạo dấu ấn thương hiệu.
- Copywriter: viết slogan, lời dẫn, quảng cáo cho thương hiệu, sản phẩm, bộ sưu tập
- Tổ chức sự kiện thời trang: tổ chức show diễn, show truyền hình, cuộc thi…
- Nhiếp ảnh thời trang: nghề của rất nhiều tay ngang nhưng nếu bạn có kiến thức thời trang, đó sẽ là thế mạnh lớn.
- Blogger, KOLs: dùng kiến thức về thời trang, sức ảnh hưởng để truyền tải thông tin, liên tục sáng tạo nội dung.
- Stylist: tạo dựng phong cách cho các bộ hình thời trang lookbook, tạp chí, MV, phim ảnh, tư vấn thời trang cá nhân.
- Giảng viên thời trang
- Phóng viên thời trang
Tốt nghiệp khoa Thiết kế thời trang của LCDF, Mei Mei (giữa) được biết đến khi liên thục thiết kế và stylist cho MV của các ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân, Bảo Anh, Bích Phương
5. NGHỀ NGHIỆP TRONG TƯƠNG LAI
Đây là những vị trí có thể còn mới mẻ và chưa được nhiều thương hiệu thời trang tuyển dụng, nhưng chắc chắn sẽ có chỗ đứng quan trọng trong tương lai ngành này.
- Chuyên gia công nghệ thời trang (fashion technologist): nghiên cứu các ứng dụng của công nghệ vào thời trang, ví dụ như công nghệ làm ra quần tất siêu bền, loại vải có thể lớn theo cơ thể người mặc…
- Chuyên gia thời trang bền vững (Fashion campaigner – ethical fashion): nghiên cứu đưa ra các giải pháp bền vững cho thương hiệu thời trang, những đơn vị sản xuất vải, công ty nhuộm…
Các bạn đã thấy tự tin hơn để theo ngành thời trang chưa? Giờ thì nếu ai đó nói “Học thời trang là chỉ làm nhà thiết kế”, “học thời trang thì phải mở thương hiệu riêng, tốn kém”… hãy gửi link bài này cho họ ngay nha!
Đọc thêm bài viết cùng chủ đề #LCDFFashion.
Có thể bạn cũng thích